Đặc tính vành đúc trên môtô

haiauauto
Bình luận: 0Lượt xem: 1,413

haiauauto

Tài xế O-H
Không chỉ cải thiện tính năng vận hành xe, bộ vành đúc còn khiến những chiếc môtô trở nên lịch lãm, trẻ trung, đậm phong cách thể thao.

Trên những chiếc môtô đua, công suất, tính năng điều khiển và lốp có quan hệ chặt chẽ với nhau. Những yếu tố này đã có bước phát triển vượt bậc vào đầu những thập kỷ 1970, và chúng dần trở thành hiện thực trong những năm 80. Khung bằng ống thép thay thế bằng xà nhôm, công suất tăng từ 100 lên 120 rồi 140 mã lực, lốp thường chuyển sang lốp trơn, rồi lốp có lớp bố tỏa tròn.

Một phần quan trọng của gói phụ kiện, yếu tố ảnh hưởng cốt lõi tới các yêu tố trên chính là vành đúc, ra đời vào những năm 1970.

Vào năm 1975, Giacomo Agostini mang chiếc xe trang bị vành đúc Yamaha OW-23 lên bục vinh quang trong giải Grand Prix cho xe 500 phân khối. Những chiếc vành với nan hoa đan chéo nhanh chóng trở thành những thứ không hợp thời.

Ducati 848.

Vành nan hoa luôn cần phải sạch sẽ, sáng bóng, không rỉ sắt, nên chúng đòi hỏi sự chăm sóc cẩn thận và thường xuyên. Vành đúc ít cần bảo dưỡng hơn, chắc chắn, và khiến những chiếc môtô trở nên thời trang. Trên các đường đua, vành nhôm (Al) đúc sớm nhường chỗ cho ma-giê (Mg).

Vật liệu ma-giê làm giảm trọng lượng bánh, điều đó có nghĩa hệ thống treo làm việc ít nặng nhọc hơn, quá trình tăng tốc hay phanh diễn ra nhanh hơn.

Nhờ những ưu thế vượt trội, vành đúc đã vượt ra ngoài các giải đua môtô và trở nên thịnh hành trên đường phố. Bánh nhẹ cùng với những thay đổi trong kết cấu giúp cải thiện tính năng vận hành, mang đến cảm giác lái hoàn toàn khác. Người điều khiển cảm nhận dễ dàng sự biến đổi hay thông tin phản hồi từ hệ thống treo cải tiến.

Chiếc Laverda Jota 1975 lịch lãm với bộ vành đúc do chính người Italia sản xuất hay Kawasaki Z1-R từng hút hồn giới mê xe bởi phong cách thể thao cũng sử dụng vành đúc.
Dù được ưu chuộng hơn, nhưng vành đúc không phải là không có vấn đề. Kim loại có những lỗ nhỏ li ti có thể làm khí nén lọt qua. Một vài giải pháp khắc phục đã được đưa ra, dùng săm cho loại lốp không săm, hay thay đổi vật liệu và phương pháp chế tạo vành.

Vành đúc đôi khi xuất hiện những vết nứt nhỏ. Đây là nguyên nhân khiến Robert Dunlop gặp nạn trong giải đua Isle of Man TT 1994. Tại thời điểm đó, người ta tiến hành kiểm tra bánh xe, kết quả cho thấy một vài chiếc trong số chúng xuất hiện vết nứt. Sau vụ tai nạn của Dunlop, một số tay đua yêu cầu kiểm tra bánh xe bằng tia X định kỳ mỗi năm một lần.

Còn trong các giải đua xe địa hình, vành đúc chưa bao giờ vượt trội. Dù vững chắc, nhưng chúng có thể vị nứt hoặc vỡ khi xe đâm vào cây, và một khi đã hỏng thì việc sửa chúng không hề dễ dàng.
nguồn : vnexpress.net​
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên