Hệ thống phanh trên xe Honda

khoadongluc
Bình luận: 0Lượt xem: 2,200

khoadongluc

Nothing Is Impossible
Nhân viên
Hệ thống phanh nói chung có vai trò giúp chiếc xe giảm tốc độ hoặc dừng lại một cách an toàn. Về tầm quan trọng của hệ thống phanh thì có thể chắc chắn rằng không ai trong số các bạn dám sử dụng một chiếc xe không được trang bị hệ thống phanh đáng tin cậy, cho dù động cơ của nó có ưu việt thế nào đi nữa.

Hệ thống phanh hoạt động theo nguyên lý kiểm soát tốc độ bằng cách chuyển hóa động năng (năng lượng sinh ra khi xe giảm tốc) thành nhiệt năng (nhiệt sinh ra do ma sát của má phanh với đĩa phanh). Động năng phụ thuộc vào 2 yếu tố là trọng lượng và tốc độ, nên khi xe có trọng lượng càng lớn, tốc độ càng cao, thì càng cần một hệ thống phanh ưu việt hơn.

Những điều kiện sử dụng thực tế khác nhau của khách hàng luôn là cơ sở cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm của Honda. Không phải là ngoại lệ, hệ thống phanh luôn được Honda quan tâm nghiên cứu, phát triển, dựa trên những kết quả điều tra và phân tích cách sử dụng xe của khách hàng trong thực tế. Tháng 2 năm nay, Honda đã cho ra mắt chiếc CBR1000RR là chiếc siêu môtô thể thao đầu tiên trên thế giới có trang bị hệ thống phanh Combined ABS điều khiển điện tử. Có thể nói đây chính là thành quả của quá trình nghiên cứu, phát triển lâu dài mà Honda tiến hành với hệ thống phanh trên xe máy.


Hệ thống phanh cho xe máy hiện nay được chia ra làm 2 loại : Phanh tang trống (phanh cơ/thắng đùm) và Phanh đĩa(thắng đĩa). Ví dụ, chiếc xe SuperDream mà chắc các bạn ai cũng biết thì được trang bị hệ thống phanh tang trống cho cả bánh trước và sau. Còn AirBlade - chiếc xe tay ga đang rất được ưa chuộng hiện nay thì có bánh trước lắp phanh đĩa còn bánh sau sử dụng phanh tang trống. Sau đây tôi xin giải thích sơ lược về sự khác nhau giữa 2 hệ thống này.

Sự ra đời của hệ thống phanh đĩa
Trên xe máy và ôtô, phanh tang trống có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, còn phanh đĩa mới được phát minh gần đây.

Cụ thể hơn là hệ thống phanh đĩa mới được nghiên cứu, ứng dụng cho xe máy bắt đầu từ những năm cuối của thập niên 1960. Khi đó, hệ thống đường cao tốc bắt đầu phát triển và dần trở nên phổ cập tại Mỹ, châu Âu cũng như Nhật Bản. Cùng với đó là nhu cầu về những chiếc xe máy an toàn hơn, tiện nghi hơn khi vận hành ở tốc độ cao hay khi di chuyển trên qu•ng đường dài. Tất nhiên, một hệ thống phanh mới có độ tin cậy cao và hiệu quả, đủ để người lái có thể yên tâm trong những điều kiện vận hành như trên, là một phần trong nhu cầu đó.



CB750

Hệ thống phanh đĩa có thể đảm bảo được tính năng an toàn, ngay cả khi vận tốc xe đạt trên 200km/h hay trọng lượng xe vượt trên 200kg, đã bắt đầu được phát triển từ đó. Từ năm 1969, khi bắt đầu được áp dụng trên xe CB750 Four cho tới nay, phanh đĩa đã trở thành cấu trúc thông dụng trên xe máy. Ngày nay, trên nhiều loại môtô phân khối lớn (thường từ trên 400cc), người ta còn sử dụng phanh đĩa kép cho bánh trước.

Cấu tạo của phanh đĩa
Cấu tạo của phanh đĩa gồm có xi-lanh chủ động (master cylinder) và cụm má phanh. Hai bộ phận này được nối với nhau bởi ống phanh chứa đầy dầu phanh.

Trên xi-lanh chủ động có tay phanh và piston, còn trên cụm phanh có piston và má phanh.
Hệ thống này hoạt động theo nguyên lý khi ta bóp tay phanh sẽ tác động lực lên piston tạo ra áp lực. áp lực này được truyền qua dầu phanh trong ống phanh tác động lên piston của cụm phanh. Piston này sẽ làm má phanh chuyển động ép vào đĩa phanh gắn liền với bánh trước. Lực ma sát cưỡng chế giữa má phanh và đĩa phanh sẽ làm cho bánh xe dừng lại.
Đây là một ứng dụng của định luật Pascan: “áp suất tác động lên 1 điểm của chất lỏng chứa trong bình kín được truyền nguyên vẹn tới mọi điểm của chất lỏng đó”.

Cấu tạo của phanh tang trống
Cấu tạo của phanh tang trống (trong trường hợp là phanh sau) bao gồm chân phanh và cụm bát phanh liên kết với nhau bởi thanh kéo.


Hệ thống này hoạt động dựa trên nguyên lý sau: khi ta nhấn lên chân phanh, lực này truyền qua thanh kéo tới cần phanh và làm xoay cam phanh, khi đó 2 má phanh có mỏ tì vào thân cam bị ép rộng ra và áp chặt vào mặt trong moayơ của bánh xe. Lực ma sát sẽ có tác dụng làm bánh xe dừng lại.


Ưu điểm của phanh đĩa

Do đặc trưng là các phần cấu tạo chính đều nằm lộ ra bên ngoài nên phanh đĩa có tính tản nhiệt rất tốt, luôn giữ được khả năng vận hành, kiểm soát ổn định. Nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh chính là chuyển động năng thành nhiệt năng rồi phát tán sức nóng đó vào không gian. Với ưu thế dễ phát tán nhiệt, có thể nói rằng, phanh đĩa chính là hệ thống phanh lý tưởng nhất trong thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, phanh đĩa cũng ít bị ảnh hưởng khi sử dụng trong điều kiện ẩm ướt, bởi vì khi đĩa phanh bị dính nước thì lực ly tâm của bánh xe cũng sẽ dễ dàng hất văng chúng đi.

Bảo trì bảo dưỡng
Với hệ thống phanh tang trống, má phanh sẽ nhanh bị mòn và cần phanh cũng nhanh bị chùng nên bạn cần phải thường xuyên kiểm tra điều chỉnh. Nếu không bảo trì bảo dưỡng đều đặn, hiệu quả phanh sẽ kém đi và không đảm bảo an toàn.
Còn hệ thống phanh đĩa, tuy không cần phải điều chỉnh nhưng các bạn vẫn cần phải kiểm tra định kỳ. Việc thay thế má phanh cũng rất đơn giản không cần thiết phải tháo bánh xe.
Và chắc các bạn cũng nhận thấy 1 ưu điểm nữa của phanh đĩa là làm chiếc xe trở nên đẹp hơn.

Trên đây tôi đã trình bày sơ lược về hệ thống phanh đĩa cũng như phanh tang trống. Hy vọng rằng những kiến thức đơn giản này có thể giúp các bạn chọn lựa cũng như sử dụng xe tốt hơn. Trong tương lai, Honda vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển các đời xe mới, các kỹ thuật mới nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Cuối cùng, tôi xin phép nhắc các bạn rằng, để đảm bảo an toàn thì yếu tố con người quan trọng không kém gì các vấn đề kỹ thuật. Do đó, các bạn cũng cần chú ý lái xe an toàn, không nên đi với tốc độ quá nhanh.
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên