Mức lương tổng giám đốc

H
Bình luận: 0Lượt xem: 1,419

hochoi

Tài xế O-H
1 USD/tháng

Mức lương tổng giám đốc

Trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, hầu hết các tổng giám đốc của những tập đoàn xe hơi lớn trên thế giới đều tỏ ra gương mẫu tuyên bố làm không công – hay nói đúng hơn là với mức lương 1 USD/tháng – và trả lại công ty toàn bộ các chế độ ưu đãi như máy bay riêng, chế độ nghỉ khách sạn 5 sao hay các gói cổ phiếu giá hời. Đó là cử chỉ đẹp nhưng cũng khiến không ít người tò mò đặt câu hỏi liệu họ đã nhận bao nhiêu tiền trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng?



Ông Alan Mullaly - Giúp Ford cất cánh như Boeing


Các chính trị gia trong cuộc vận động bầu cử cũng không thể đưa ra những lời hứa mạnh bạo như tổng giám đốc của các hãng xe trong giai đoạn vừa qua. Dĩ nhiên, điều đó cũng dễ hiểu bởi họ phải tìm mọi cách để cứu công ty mình ra khỏi cuộc khủng hoảng. Điển hình là ba vị đứng đầu BIG 3 GM, Ford và Chrysler. Năm ngoái, sản lượng của 3 nhà sản xuất này đạt 17,5 triệu chiếc xe, bằng 1/3 tổng sản lượng xe hơi thế giới và năm nay, cả ba tổng giám đốc đều tự hạ mức lương của mình xuống 1 USD/tháng và không nhận các khoản thưởng thêm cho đến khi công ty của họ chưa đứng vững sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Đây thực sự là một cử chỉ đẹp vì từ trước tới nay, chính các cuộc khủng hoảng kinh tế lại là động lực thúc đẩy mức lương của những người đứng đầu công ty tăng vọt bởi tập đoàn nào cũng muốn có một người cầm lái dạn dày kinh nghiệm để chèo chống trong cơn bão. Trước khi chuyển sang Ford, ông Alan Mullaly vốn là một giám đốc nổi tiếng trong ngành hàng không, từng cứu tập đoàn Boeing qua những cơn nguy khốn và Ford đã phải trả ông 35 triệu USD “phí chuyển nhượng” để bù đắp những thiệt hại do ông không nhận được các khoản thưởng của Boeing. Trong năm 2007, mặc dù Ford lỗ vốn tới 2,7 tỷ USD nhưng tổng giám đốc Mullaly vẫn được hưởng một mức lương, tiền thưởng, cổ phiếu,... có trị giá lên tới 2 triệu USD. Trong 3 nhà sản xuất xe hơi lớn của , tình trạng kinh tế của Ford là ổn định nhất một phần nhờ công lao của Alan Mullaly.
General Motors, tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Mỹ vừa phải nhường vị trí số Một thế giới cho Toyota và đó là một trong nhiều nguyên nhân khiến ông Rick Wagoner phải hạ dần mức lương của mình từ 12 triệu USD (năm 2002) xuống 4,8 triệu USD (năm 2004) rồi 2,6 triệu USD (năm 2005), 2 triệu USD (năm 2006) và cuối cùng là 1,65 triệu USD năm 2008. Như vậy người đứng đầu General Motors chỉ xếp thứ 21 trong bảng “xếp hạng lương” của Hoa Kỳ, trong đó, 5 người dẫn đầu đều nhận mức lương là con số có 8 chữ số. Trong ngành công nghiệp xe hơi Bắc Mỹ, giám đốc hưởng nhiều lương nhất là ông Frank Stronach (76 tuổi), chủ tịch hãng phụ tùng Magna International. Năm 2004, ông Stronach nhận 40 triệu USD tiền lương và năm 2005 là 33,3 triệu. Bob Lutz, một trong những nhân vật kỳ cựu tại Detroit, từng giữ vị trí quan trọng ở cả 3 hãng xe lớn và hiện đang là phó chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm của GM đang được trả 1,5 triệu USD mỗi năm. Cách đây 2 năm, Bob Lutz từng được hưởng lương 4,4 triệu USD và cũng vì thế, ông hoàn toàn có đủ chi phí cho thú chơi tốn tiền là sưu tập máy bay chiến đấu. Sắp tới, các hãng xe Mỹ sẽ không phải trả nhiều triệu USD cho những người lãnh đạo công ty nhưng thực ra điều đó cũng chẳng cải thiện được gì cho tính cạnh tranh trước các hãng xe Nhật. Mấu chốt của vấn đề nằm ở sự chênh lệch giữa các khoản chi trả cho công nhân Mỹ so với công nhân Nhật quá lớn. Hiện tại, một công nhân xe hơi ở Detroit kiếm được 29 USD sau mỗi giờ làm việc, không cao hơn nhiều lắm so với 26 USD/giờ của đồng nghiệp tại Nagoya nhưng nếu tính tất cả các khoản chi phí phụ kèm theo lương thì nhà máy xe hơi Mỹ phải tốn tới 71 USD cho một công nhân sau mỗi giờ làm việc, cao gần gấp rưỡi so với mức 49 USD tại Nhật.
Tại châu Âu, lương giám đốc nói chung thấp hơn ở Mỹ và ngành công nghiệp xe hơi không phải là một ngoại lệ. Kỷ lục về mức lương cao thuộc về ông Paolo Cantarella, cựu tổng giám đốc và chủ tịch Fiat. Cách đây 6 năm, ông Cantarella từng hưởng lương 21,3 triệu euro. Ngày nay, mức lương trung bình của các tổng giám đốc công ty trong lĩnh vực này là 1 triệu euro nhưng cũng có một vài trường hợp ngoại lệ như ông Norbert Reithoffer, tổng giám đốc BMW (3,75 triệu euro) hay ông Hakan Samuelson, tổng giám đốc hãng xe tải MAN (3,3 triệu euro). Ở đây, mức lương cũng đi liền với năng suất trong công việc. Dễ thấy nhất là trường hợp của Porsche. Năm 1992-1993, Porsche còn lỗ vốn tới 122 triệu euro nhưng nhờ sự lãnh đạo khéo léo của ông Wendelin Wiedeking, hãng xe này đã đạt mức lãi kỷ lục 8,57 tỷ euro(!) vào năm tài khóa 2007-2008 và cho dù mức lương của 6 người đứng đầu Porsche vẫn nằm trong vòng bí mật nhưng qua báo cáo tài chính, có thể biết rằng trong năm qua, họ được chia tổng cộng 15 triệu euro. Đối với ông Wiedeking, tiền lương chẳng thấm vào đâu so với tiền thưởng và nếu tính chung toàn bộ thu nhập thì trong năm 2008, tài khoản của ông đã có thêm 60 triệu euro và tiến sĩ Wendelin Wiedeking chính là lãnh đạo có mức lương cao nhất trong ngành xe hơi hiện nay. So với 12.000 công nhân và sản lượng 90.000 chiếc mỗi năm của Porsche, Volkswagen - 360.000 nhân viên và sản lượng hơn 6 triệu chiếc của 10 mác xe - quả thực là “cá lớn”. Tuy nhiên, tiến sĩ Martin Winterkorn, tổng giám đốc VW “chỉ” nhận được 5 triệu euro bằng 1/12 thu nhập của đồng nghiệp tại Porsche.
Bài viết đăng trên tạp chí Công nghiệp Ô tô số tháng 2/2009
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên