Nhiệt độ trong buồng cháy

L
Bình luận: 2Lượt xem: 20,224

Phạm Vỵ

Tài xế O-H
Mời bạn tham khảo nhé.
1. Chu trình làm việc của động cơ xăng 4 kỳ:
Kỳ hút: Pít tông di chuyển từ ĐCT tới ĐCD, xu páp nạp mở, xu páp xả đóng. Thể tích của khoang phía trên pít tông tăng dần tạo nên độ chân không, nhờ đó mà hỗn hợp khí cháy được hút vào xi lanh qua xu páp nạp. Kỳ hút kết thúc sau khi pít tông đã đi qua điểm chết dưới và đi ngược trở lại một đoạn ứng với góc quay của trục khuỷu là 40 độ 60 độ. Dù rằng lúc này pít tông đang đi lên nhưng trong một khoảng thời gian nhất định áp suất trong xi lanh vẫn còn thấp hơn áp suất khí quyển nên hỗn hợp khí nạp vẫn tiếp tục bị hút vào trong xi lanh. Ở cuối kỳ hút, áp suất trong xi lanh có giá trị khoảng 0,7 - 0,9 kG/cm2.
Kỳ nén: Pít tông di chuyển từ ĐCD lên ĐCT, các xu páp nạp và xả đều đóng. Thể tích làm việc trong xi lanh giảm xuống, áp suất tăng lên, do đó nhiệt độ của hỗn hợp khí bị nén cũng tăng lên. Ở cuối kỳ nén, áp suất trong xi lanh có thể đạt tới 7 - 12 kG/cm2, nhiệt độ lúc này khoảng 250 độ c - 300 độ C. Ở cuối của kỳ nén, vào một thời điểm thích hợp, bugi phát tia lửa điện làm hỗn hợp khí bốc cháy. Khi pít tông đi qua điểm chết trên thì quá trình cháy xảy ra mãnh liệt nhất, áp suất trong xi lanh tăng lên đột ngột.
Kỳ nổ: Các xu páp nạp và xả đều đóng, nhiên liệu tiếp tục cháy ở trong buồng đốt. Ở cuối quá trình cháy nhiệt độ trong xi lanh khoảng 2300 độ c - 2500 độ C với áp suất khoảng 30 - 40 kG/cm2. Áp suất khí cháy tạo áp lực lên đỉnh pít tông và đẩy pít tông đi từ ĐCT về ĐCD, đây chính là quá trình sinh công hữu ích, nghĩa là năng lượng của nhiên liệu bị đốt cháy được chuyển thành cơ năng làm quay trục khuỷu. Tới cuối kỳ nổ nhiệt độ và áp suất trong xi lanh giảm xuống. Lúc này áp suất còn khoảng 5 - 6 kG/cm2 và nhiệt độ là 900 - 1100 độ C.
Kỳ xả: Khi pít tông còn cách ĐCD khoảng 40 - 60 độ tính theo góc quay của trục khuỷu thì xu páp xả mở và các khí đã cháy (khí thải) bắt đầu bị đẩy ra ngoài do áp suất trong xi lanh lúc này đang lớn hơn áp suất khí quyển. Sau đó, khi pít tông đã qua ĐCD và đi về phía ĐCT thì chính pít tông làm nhiệm vụ tiếp tục dồn khí thải ra ngoài. Tới cuối kỳ xả, trong buồng đốt vẫn còn sót lại một lượng khí thải nhất định. Áp suất lúc này khoảng 1,1 - 1,2 kG/cm2 với nhiệt độ từ 700 đến 800 độ C.

2. Chu trình làm việc của động cơ diesel 4 kỳ:
Kỳ hút: Pít tông đi từ ĐCT tới ĐCD, không khí được hút vào trong xi lanh qua xu páp nạp. Kỳ hút kết thúc khi pít tông đã đi qua ĐCD một đoạn ứng với góc quay của trục khuỷu là 40 - 60 độ. Ở cuối kỳ hút áp suất trong xi lanh khoảng 0,8 - 0,95 kG/cm2.
Kỳ nén: Pít tông đi về phía ĐCT, các xu páp đều đóng, không khí trong xi lanh bị nén lại. Ở cuối kỳ nén áp suất trong xi lanh có thể đạt 35 - 40 kG/cm2 và nhiệt độ khoảng 550 - 630 độ C. Khi pít tông còn cách ĐCT một khoảng ứng với góc quay của trục khuỷu là 15 -30 độ thì nhiên liệu được phun vào xi lanh dưới dạng bụi, nó hoà trộn với không khí nóng và bắt cháy. Khi pít tông đi qua ĐCT thì quá trình cháy xảy ra rất mạnh làm áp suất và nhiệt độ trong xi lanh tăng lên đột ngột.
Kỳ nổ: Cả 2 xu páp đều đóng, nhiên liệu tiếp tục cháy trong xi lanh. Vào cuối quá trình cháy nhiệt độ khí cháy lên tới 1800 - 2000 độ C, với áp suất khoảng 60 - 90 kG/cm2. Áp suất khí cháy đẩy lên đỉnh pít tông làm nó di chuyển về phía ĐCD, đây chính là quá trình sinh công hữu ích, nghĩa là năng lượng của nhiên liệu bị đốt cháy chuyển thành cơ năng quay trục khuỷu. Ở cuối kỳ nổ nhiệt độ và áp suất trong xi lanh giảm xuống (áp suất khoảng 4 -5 kG/cm2 và nhiệt độ là 600 - 700 độ C.
Kỳ xả: Ở cuối kỳ nổ, trong xi lanh nhiệt độ khoảng (600 - 700)độ C và áp suất khoảng (4 - 5) KG/cm2. Khi pit tông đi gần tới ĐCD, xu páp xả mở sớm khoảng (40 - 60) độ cho khí cháy thoát ra ngoài. Sau đó, pit tông tiếp tục di chuyển từ ĐCD về ĐCT để đẩy khí cháy ra. Xu páp xả cũng được bố trí đóng muộn. Kết thúc kỳ xả áp suất trong xi lanh vào khoảng (0,2 - 0,4) KG/cm2, nhiệt độ khoảng (500 - 650) độ C .
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên