Thời hoàng kim của Vespa cổ

V
Vin
Bình luận: 0Lượt xem: 1,703

Vin

Tài xế O-H
"Một ngày được cưỡi Vespa, còn hơn một kiếp lê la 'đai-lần' (Dylan)". Đó là một tuyên ngôn không rõ do tay mê Vespa nào ứng tác, đầy vẻ tự hào của giới chơi Vespa cổ.

Để có được "thành quả" ấy, Vespa cổ Việt Nam đã bao phen... "lên thác xuống ghềnh". Trong lần thử nghiệm một kiểu xe mới, nghe tiếng động cơ và nhận thấy yên sau rộng hơn rất nhiều so với phần giữa và phần đuôi mảnh dẻ, Enrico Piaggio đã thốt lên: "Trông như con ong bò vẽ (Vespa)". Và chiếc Vespa Piaggio đã ra đời, đó là huyền thoại của xe hai bánh mà sau này đã trở thành một trong những biểu tượng phổ biến nhất của "made in Italy" trên thế giới.

Vespa ở Việt Nam

Theo các tài liệu sưu tầm của các tay chơi Sài Gòn, Vespa chính thức ra đời từ năm 1946. Nhưng đến năm 1953, nó mới theo chân những người Pháp du nhập vào Việt Nam và là một dòng xe đỉnh cao dành cho giới trung, thượng lưu thời bấy giờ. Đời Vespa đầu tiên đến Việt Nam là Acma. Ở Việt Nam dòng Acma không còn nhiều, một phần đã bị các tay chơi xe săn lùng đưa đi nước ngoài, số còn lại thuộc hàng hiếm với giá cả một "con" Acma hoàn hảo hiện nay không thua kém gì một "con" Vespa đời mới.

Hệ Acma có nhiều dòng, nhưng các loại Acma ở Việt Nam đa phần thuộc đời từ 1953-1957, trong đó quý hiếm nhất phải kể đến dòng xe Acma GS. Đây là dòng xe đua, xe thể thao được chế tạo kiểu dáng khác đi nhiều so với Acma thông thường. Đặc biệt, phần sườn xe được thiết kế có độ cong để trượt gió cao, thích hợp cho việc lướt tốc độ. Dòng GS trong giới sưu tầm cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, giá của những chiếc Acma GS với dân sưu tầm được coi là vô giá. Acma đạt đến giá đắt nhất trong hệ Vespa bởi hai lẽ xe cổ và kiểu dáng đẹp.

Sau Acma đến hệ Standard ra đời, được sản xuất từ những năm 1958-1963. Kế tiếp là Super và Sprint, hai dòng xe này gần như được sản xuất cùng song hành với nhau từ 1964-1972. Chiếc Sprint ra sau đời Super khoảng một vài năm với kiểu dáng được thiết kế mang dáng vẻ mạnh mẽ, góc cạnh hơn. Giới chơi xe, sưu tầm xe xếp theo thứ tự kể cả tuổi xe và giá cả lần lượt là Acma, Standard, Super, Sprint.

Gần gây, giới sưu tầm Vespa có một nhóm chuyên chơi PX - một dòng xe trước đây vốn ít được dân chơi Vespa chú tâm để ý vì không được liệt kê vào hệ xe cổ. Những địa phương có phong trào chơi Vespa mạnh phải kể đến ở miền Nam là: Sài Gòn, Cần Thơ, Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Lạt. Miền Trung có Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Quy Nhơn. Phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng. Giới sưu tầm ngày càng đông, vì vậy giá của Vespa ngày càng bị đẩy lên cao và việc sưu tầm ngày một khó khăn hơn khi muốn tìm được chiếc xe ngon lành, ưng ý.

Những nốt trầm

Cuối những năm 70-80, Vespa ngày một vắng bóng trên các ngả đường. Phần vì đất nước lúc ấy khó khăn, thợ sửa Vespa cũng không nhiều, thêm cái khổ chung là Vespa "uống" xăng như nước. Xét về hiệu quả kinh tế có vẻ thua thiệt, nên các "khổ chủ" Vespa đành phải trùm chăn cho xe ở nhà, hay bỏ xó nắng mưa đến khi xe thành đống sắt vụn không hơn không kém.

Thị trường xe lúc ấy được thay thế bằng những dòng xe Nhật nhập về, những chiếc 67, cối 70, cánh én... nhỏ gọn, đi lại thuận tiện, ít hỏng hóc đột xuất và nhất là khả năng "uống" xăng khiêm tốn hơn nhiều so với Vespa. Chính lý do đó khiến Vespa càng đuối thế và bị chìm vào quên lãng. Những thợ sửa Vespa theo nhu cầu thời cuộc, cũng chuyển nghề sang sửa Honda. Bản "khai tử" cho Vespa cổ treo lơ lửng trước mắt.

Cuối những năm 80, cuộc sống người dân khấm khá hơn. Những chiếc Vespa cổ còn "ngon lành" lâu nay đắp màn trong nhà, được chủ nhân nhớ lại cảm giác một thời cưỡi Vespa là sành điệu, quý phái nên được lấy ra tút tát lại, Vespa có cơ hội xuất hiện ngoài phố.

Nhưng chuyện phục hồi chơi Vespa chưa nhen nhóm được bao lâu lại tắt ngóm thêm lần nữa, khi mà những dòng "xe nghĩa địa" liên tục ồ ạt nhập về Việt Nam. Nói của đáng tội, người Việt tiếp thu cái mới khá nhanh và những gì mới là được họ bắt nhịp. Những chiếc "xe nghĩa địa" hàng xịn như Cub 81, 82, custom... chạy nhẹ nhàng êm ái được ưa chuộng ngay tức khắc. Vespa lại xếp xó và nhận "bản án tử" thêm một lần nữa.

Phong trào sắm "xe nghĩa địa" rồi cũng đến lúc bão hòa, vừa lắng xuống chưa được bao lâu, Vespa cổ lại nhen nhóm trở lại, nhưng khá yếu ớt sau hai cơn "bạo bệnh", lượng xe còn chạy được cũng chẳng là bao.

Chưa kịp "hoàn hồn", thêm một "cơn bão" xe khác xuất hiện, các hãng xe máy Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam tạo nên một "cơn địa chấn". Không chỉ Vespa cổ mà nhiều dòng xe khác cũng bị ảnh hưởng bởi giá cả "uây tàu", "zim tàu" rẻ đến bất ngờ. Vespa cổ lại ngậm ngùi... chờ chết.

Thời hoàng kim

Khi đất nước mở cửa, Việt kiều xa quê về nước, du khách nước ngoài cũng tìm đến Việt Nam du lịch. Cái đẹp tiềm ẩn của Vespa cổ dần được khơi dậy. Khởi đầu cho phong trào thu mua Vespa cổ, "xào nấu chế biến" lại rồi xuất đi nước ngoài với số lượng dữ dội nhất những năm 90 phải kể đến một Việt kiều tên L, kế đến là một du khách người Anh.

Tay chơi ba lô này khi đến Việt Nam du lịch, ở khu phố Tây Đề Thám, quận 1 đã phát hiện ra ngay mối lợi từ Vespa cổ. Vespa lúc ấy rẻ như bèo, cả hai gom hàng chủ yếu là Lam già - Lambretta, xuất đi các nước khác cho dân chơi xe cổ.

Thấy chuyện làm ăn khấm khá, trôi chảy, các tay chơi Việt Nam cũng vào cuộc, đi khắp nơi săn lùng xe về tân trang, sơn sửa rồi bán lại. Lam già cạn dần, dân thu mua bắt đầu nhảy qua gom các đời xe Acma, Standard, Super, Sprint... Một thợ sửa xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kể lại: "Thời đó, Vespa rẻ lắm, dân thu gom mỗi lần đem về tiệm cả xe tải. Người đi thu gom chủ yếu buôn bán là chính, chứ cũng chưa là dân mê Vespa cổ. Mua, bán Vespa nhưng đi lại giao dịch vẫn dùng xe Honda...".

Xe được tân trang đẹp đẽ, máy chỉnh sửa ngon lành, đa phần xuất đi nước ngoài, số ít còn lại được lác đác các tay chơi Vespa cổ sở hữu. Vespa dần dần hồi sinh. Và khi công nghệ thông tin phát triển, diễn đàn của những người bạn Vespa trên trang web ttvnol.com tạo lập một sân chơi dành riêng cho những người yêu Vespa cổ khắp miền đất nước.
Đến 16/01/2005, diễn đàn Vespa chính thức ra đời với tên gọi www.vespavn.com/forum, tách ra từ box "Những người bạn Vespa" trên ttvnol.com. Nhờ có diễn đàn mà anh em Vespa cổ đã có nhiều điều kiện học hỏi, trao đổi thông tin, làm quen, gặp gỡ... thu hút sự quan tâm chú ý và tham gia đông đảo của nhiều thành viên trong và ngoài nước.



Xe được tân trang đẹp đẽ, máy chỉnh sửa ngon lành, đa phần xuất đi nước ngoài, số ít còn lại được lác đác các tay chơi Vespa cổ sở hữu. Vespa dần dần hồi sinh. Và khi công nghệ thông tin phát triển, diễn đàn của những người bạn Vespa trên trang web ttvnol.com tạo lập một sân chơi dành riêng cho những người yêu Vespa cổ khắp miền đất nước.

Đến 16/01/2005, diễn đàn Vespa chính thức ra đời với tên gọi www.vespavn.com/forum, tách ra từ box "Những người bạn Vespa" trên ttvnol.com. Nhờ có diễn đàn mà anh em Vespa cổ đã có nhiều điều kiện học hỏi, trao đổi thông tin, làm quen, gặp gỡ... thu hút sự quan tâm chú ý và tham gia đông đảo của nhiều thành viên trong và ngoài nước.

Diễn đàn tập hợp bài viết, thảo luận của những người chơi Vespa cổ... Từ diễn đàn, các nhóm Vespa khắp vùng miền được hình thành với nhiều hoạt động phong phú như giao lưu, hội ngộ, làm từ thiện, dùng Vespa cổ đưa trẻ em nghèo đi rước đèn trung thu...

Từ một sân chơi trên mạng, gắn kết với những hoạt động thường xuyên, bổ ích và ý nghĩa ở đời thường. Dân sưu tầm Vespa cổ gắn kết với nhau thành một cộng đồng đông đảo, hùng hậu, gây được tiếng vang lớn trong những lần hội ngộ giới chơi Vespa cổ của cả ba miền.

Cứ sau mỗi lần hội ngộ, những câu chuyện, hình ảnh, cảm xúc lần lượt được đưa vào nhật ký của từng nhóm Vespa các miền trên trang web, và lại có thêm những thành viên mới gia nhập giới chơi Vespa cổ. Theo thống kê của diễn đàn, tính đến nay đã có hơn 4.000 thành viên chính thức tham gia diễn đàn.

Thời kỳ hoàng kim của Vespa đã đến, phong trào ngày càng thêm mạnh. Đến hôm nay, sở hữu một chiếc Vespa cổ "lạch bạch" ngoài đường là một niềm tự hào, cảm giác sung sướng còn mãnh liệt hơn so với niềm tự hào của chủ nhân những chiếc Vespa mười mấy năm về trước.
(Theo Đàn Ông)
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên