Hệ thống bơm PE-EDC

A
Bình luận: 6Lượt xem: 7,553

quang duy nang

Tài xế O-H
BÀI 1 : BƠM CAO ÁP TẬP TRUNG PE ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ

GIỚI THIỆU :

Bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử được sử dụng nhiều trên động cơ diesel hiện đại. Để tiến hành bảo dưỡng, kiểm tra và sửa chữa được những hư hỏng của bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử đúng yêu cầu kỹ thuật, đòi hỏi chúng ta phải hiểu được cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

MỤC TIÊU THỰC HIỆN:

Học xong bài này học viên có khả năng:

- Phát biểu đúng yêu cầu, nhiệm vụ của bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

- Giải thích được cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

- Tháo lắp, nhận dạng và kiểm tra, bảo dưỡng bên ngoài các bộ phận của bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử đúng yêu cầu kỹ thuật.

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Nhiệm vụ, yêu cầu bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

2. Cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

3. Tháo lắp, làm sạch, kiểm tra và nhận dạng bên ngoài bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

I- NHIỆM VỤ, YÊU CẦU BƠM CAO ÁP TẬP TRUNG PE ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ

1. Nhiệm vụ:

- Bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử có nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu cho ắc quy thuỷ lực hoặc vòi phun với áp suất cao đảm bảo cho nhiên liệu phun vào buồng cháy dưới dạng sương mù.

- Cung cấp nhiên liệu đúng thời điểm quy định cho các xy lanh của động cơ.

- Điều chỉnh được lượng nhiên liệu cho các xy lanh phù hợp với các chế độ làm việc, lượng nhiên liệu cung cấp phải đồng đều giữa các xy lanh (đối với loại bơm cao áp PE điều khiển điện tử cung cấp nhiên liệu cao áp trực tiếp đến vòi phun).

- Đảm bảo thời điểm bắt đầu phun và kết thúc phun phải chính xác, tránh hiện tượng phun nhỏ giọt (được điều khiển bởi ECU động cơ).

2. Yêu cầu:

- Áp suất nhiên liệu do bơm tạo ra phải lớn hơn áp suất phun của vòi phun.

Đối với loại bơm cao áp PE điều khiển điện tử cung cấp nhiên liệu cao áp trực tiếp đến vòi phun cần có thêm các yêu cầu sau:

- Cung cấp nhiên liệu đúng thời điểm quy định cho các xy lanh của động cơ.

- Điều chỉnh được lượng nhiên liệu cho các xy lanh phù hợp với các chế độ làm việc và lượng nhiên liệu cung cấp phải đồng đều giữa các xy lanh

- Đảm bảo thời điểm bắt đầu phun và kết thúc phun phải chính xác, tránh hiện tượng phun nhỏ giọt.

II CẤU TẠO VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BƠM CAO ÁP PE ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ

1. Đặc điểm cấu tạo của bơm cao áp PE điều khiển điện tử

Bơm cao áp PE điều khiển điện tử còn gọi là bơm tập trung PE điều khiển điện tử. Về đặc điểm kết cấu của bơm. Bơm PE điều khiển điện tử có nhiều phần tử bơm lắp chung trong một vỏ bằng nhôm, được điều khiển bằng một trục cam có nhiều vấu cam (thường có 3 vấu cho một bộ đôi pit tông-xi lanh) nằm trong vỏ bơm, áp suất cao áp của bơm được điều khiển bởi các cụm van điều khiển áp suất (PCV), các PCV này được điều khiển bởi ECU động cơ. Các PCV này được đặt trên đỉnh pit tông bơm có nhiệm vụ thay đổi hành trình bơm từ đó điều khiển được áp suất của nhiên liêu cao áp. Nhiên liệu cao áp này theo đường ống cao áp đến ắc quy thuỷ lực trước khi đến vòi phun. ắc quy thuỷ lực có nhiệm vụ chứa, và phân phối nhiên liệu cao áp đồng đều đến các vòi phun. Nhiên liệu cung cấp cho bơm được một bơm tiếp vận loại bánh răng ăn khớp trong (hình 1.2) được dẫn động bởi đuôi trục bơm.

Thông thường bơm cao áp PE điều khiển điện tử có hai bộ đôi pit tông- xi lanh (phần tử bơm) bơm cao áp cho động cơ bốn xi lanh, tuy nhiên tuỳ theo từng loại động cơ mà sẽ có số lượng các phần tử bơm này khác nhau.

Hình 1.1. Cho thấy cấu tạo của một bơm cao áp PE điều khiển điện tử có 2 phần tử bơm.





















Hình 1.1 cấu tạo bơm cao áp PE điều khiển điện tử

a) Xy lanh bơm cao áp:

Xy lanh bơm cao áp làm nhiệm vụ dẫn hướng cho pít tông chuyển động. Trên thành xy lanh có các lỗ dùng để nạp và thoát nhiên liệu trong quá trình bơm hoạt động.

b) Pít tông bơm cao áp:

Pít tông bơm cao áp gồm có ba phần: đầu pít tông, thân pít tông và đuôi pít tông.

+ Đầu pít tông:Đầu của pít tông bơm cao áp có dạng hình trụ (không sẽ rãnh),

+ Thân pít tông:Thân pít tông bơm là phần dẫn hướng cho pít tông chuyển động, có dạng hình trụ tròn.

+ Đuôi pít tông:phía đuôi pít tông tác dụng trực tiếp lên con đội con lăn, để thực hiện quá trình khứ hồi con đội con lăn ở phần đuôi con lăn có lắp lò xo và chén chặn lò xo pit tông.



Khi tác dụng một lực vào bàn đạp ga, qua tín hiệu thu được từ cảm biến bàn đạp ga, tín hiệu này truyền về bộ xử lý ECU, ECU xử lý tín hiệu và ra tín hiệu điều khiển van điều khiển áp suất tăng hay giảm áp suất nhiên liệu cung cấp cho ắc quy thuỷ lực đồng thời ECU ra tín hiệu điều khiển vòi phun phun nhiên liệu vào xi lanh động cơ.

Hình 1.2. Sơ đồ nguyên lý hoạt động của bơm chuyển nhiên liệu

2. Nguyên tắc hoạt động của bơm cao áp PE điều khiển điện tử:

Khi động cơ hoạt động trục bơm cao áp được dẫn động từ trục khuỷu động cơ thông qua bộ truyền động đai răng hoặc bộ truyền bánh răng, làm trục bơm quay, nhiên liệu được cấp tới bơm cao áp nhờ bơm chuyển nhiên liệu bố trí phía đuôi trục cam (loại bơm bánh răng ăn khớp trong) và đồng thời vấu cam ba chấu quay theo trục, do sự thay đổi độ cao của biên dạng cam khi quay và dước tác dụng của lò xo hồi vị , pit tông bơn thực hiện các hành trình hút và nén nhiêu liệu đến áp suất quy định (khoảng 1350 bar), nhiên liệu cao áp được chuyển đến ắc quy thuỷ lực, ở đấy áp suất nhiên liệu luôn được duy trì. Khi tác dụng vào bàn đạp ga làm cảm biến bàn đạp ga dịch chuyển, truyền tín hiệu về bộ xử lý ECU, ở đây tín hiệu này được tính toàn theo một chương trình nạp sẵn và ECU ra quyết định điều khiển ngược trở lại van điều khiển áp suất để điều chỉnh áp suất cao áp thích hợp, và điều khiển thời gian và thời lượng phun nhiên liệu của vòi phun cho phù hợp nhất với từng chế độ làm việc của động cơ. Để bảo vệ ắc quy thuỷ lực ECU lấy tín hiệu từ cảm biến áp suất gắn trên ắc quy thuỷ lực để điều khiển áp suất cao áp cực đại của hệ thống, nhằm trách hư hỏng

thiết bị và an toàn cho người vận hành.

Hình 1.3. Sơ đồ nguyên lý hoạt động của bơm cao áp PE điều khiển điện tử common rail

III. NỘI DUNG BẢO DƯỠNG BÊN NGOÀI BƠM CAO ÁP TẬP TRUNG PE ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ

- Làm sạch bên ngoài bơm.

- Tháo rời bơm và làm sạch các chi tiết

- Kiểm tra các chi tiết của bơm.

- Lắp bơm và cân chỉnh: áp suất, lưu lượng các nhánh bơm.

IV. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP:

1. Nguyên lý hoạt động bơm cao áp PE điều khiển điện tử?

2. Giải thích nhiệm vụ của van điều khiển áp suất ?

3. Lượng nhiên liệu cung cấp cho động cơ, đối với bơm PE điều khiển điện tử được thay đổi bằng cách nào?





THỰC TẬP BẢO DƯỠNG BƠM CAO ÁP TẬP TRUNG PE

ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ



I. BỐ TRÍ NƠI LÀM VIỆC, CHUẨN BỊ DỤNG CỤ

1. Bố trí nơi làm việc:

Bố trí nơi làm việc cho các nhóm học viên mỗi nhóm 2 - 4 học viên, đảm bảo nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát đúng quy định.

2. Chuẩn bị dụng cụ:

Tháo lắp, nguyên vật liệu rửa làm sạch, kiểm tra và bảo dưỡng.

- Bộ dụng cụ đồ nghề sửa chữa ô tô.

- Dụng cụ chuyên dùng tháo lắp bơm cao áp PE điều khiển điện tử, khay đựng chi tiết.

- Dầu diesel, giẻ lau

- Các chi tiết và bộ phận tháo rời để thay thế: Bộ đôi pít tông xy lanh, các van đế van cao áp, đệm kín. Van điều khiển áp suất, các cảm biến,…

II. THÁO LẮP VÀ BẢO DƯỠNG BÊN NGOÀI BƠM CAO ÁP TẬP TRUNG PE ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ

1. Quy trình tháo bơm cao áp PE điều khiển điện tử ra khỏi động cơ:

- Tháo cọc bình điện, làm sạch bên ngoài động cơ.

- Tháo các rắc cắm các cảm biến, các van,…

- Tháo các ống dầu cung cấp, ống dầu hồi, ống dầu cao áp, đầu cao áp (chú ý vị trí, chiều lắp).

- Quan sát nhớ hoặc làm dấu vị trí tháo.

- Nới lỏng đai ốc làm chùng dây đai hoặc tháo đai ốc hãm bánh răng bị động dẫn động bơm cao áp.

- Nới lỏng và tháo các bu lông bắt bơm cao áp với động cơ và láy bơm cao áp ra. (chú ý quy luật nới lỏng bu lông và tránh làm rơI bơm).

- Đạt bơm lên bàn tháo lắp kiểm tra…



2. Tháo, kiểm tra, nhận dạng bên ngoài bơm cao áp PE điều khiển điện tử:

- Làm sạch bên ngoài bơm.

- Tháo, nhận dạng vị trí đường dầu vào, đường dầu hồi, đường dầu cao áp, các cảm biến vị trí trục cam, van điều chỉnh áp suất,…

- Quan sát, kiểm tra tình trạng kỹ thuật các van, các cảm biến,… bằng các dùng đồng hồ vạn năng đo điện trở và đọc giá trị điện trở các cuộn dây của chúng; Độ rơ của trục bơm (có thể dùng tay lắc nhẹ).

3. Lắp bơm cao áp PE điều khiển điện tử lên động cơ:

- Sau khi đã tháo, làm sạch, quan sát, nhận dạng, kiểm tra, tiến hành lắp các cảm biến, các van,… (Ngược với quy trình tháo- và lắp đúng kỹ thuật).

- Lắp đúng kỹ thuật:

+ Các chi tiết phải được làm sạch lần cuối trước khi lắp.

+ Dụng cụ lắp phải sạch sẽ

+ Trong quá trình lắp bơm không làm hư hỏng các chi tiết, phải đảm bảo an toàn.






BÀI 2

SỬA CHỮA VÀ BẢO DƯỠNG BƠM CAO ÁP TẬP TRUNG PE

ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ

Mã bài: HAR 02 16 02


GIỚI THIỆU :

Bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử được sử dụng nhiều trên động cơ diesel hiện đại. Để tiến hành bảo dưỡng, kiểm tra và sửa chữa được những hư hỏng của bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử đúng yêu cầu kỹ thuật, đòi hỏi chúng ta phải hiểu được cấu tạo và nguyên tắc hoạt động, hiện tượng,nguyên nhân hư hỏng và phương pháp tháo lắp, bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa của bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

MỤC TIÊU THỰC HIỆN:

Học xong bài này học viên có khả năng:

1. Giải thích được các hiện tượng, nguyên nhân hư hỏng của bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

2. Phát biểu đúng các phương pháp kiểm tra, chẩn đoán hư hỏng và bảo dưỡng, sửa chữa của bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

3.Tháo lắp, nhận dạng, kiểm tra và bảo dưỡng, sửa chữa bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử đúng yêu cầu kỹ thuật.

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Hiện tượng, nguyên nhân hư hỏng và phương pháp kiểm tra bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

2. Phương pháp bảo dưỡng, sửa chữa bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.

3. Tháo lắp, làm sạch, kiểm tra và nhận dạng các chi tiết, bảo dưỡng, điều chỉnh, sửa chữa bơm cao áp tập trung PE điều khiển điện tử.





HỌC TẠI PHÒNG CHUYÊN MÔN HOÁ



I. HIỆN TƯỢNG VÀ NGUYÊN NHÂN HƯ HỎNG CỦA BƠM CAO ÁP PE

1. Bộ đôi xy lanh pít tông bơm:

Bộ đôi pít tông xy lanh bơm cao áp được chế tạo vơi cấp chính xác rất cao.

Độ bóng bề mặt 0,05 micromet (v »14)

Độ cứng 65 HRC.

Khe hở lắp ghép giữa pít tông xy lanh (0,001 - 0,002) mm

Khi chế tạo bộ đôi phải đảm bảo độ chính xác về hình dạng và độ kín.

Để đảm bảo khả năng cung cấp nhiên liệu đồng đều ở mọi chế độ, các bộ đôi lắp ghép trên cùng một tổng bơm của một động cơ phải cùng nhóm kích thước (kích thước đường kính chênh nhau không quá 0,002mm) và cùng nhóm độ kín thủy lực (thời gian giảm áp chênh nhau không quá 4 - 5 giây)

a) Hiện tượng:

Khi bơm hoạt động áp suất bơm giảm và lưu lượng bơm giảm dầu không lên được vòi phun hoặc ắc quy thuỷ lực trước khi đến vòi phun (common rail) làm giảm chất lượng phun và quá trình đốt chát hỗn hợp kém dẫn đến làm giảm công suất của động cơ.

b) Nguyên nhân:

Bộ đôi pít tông, xy lanh bơm bị mòn do ma sát, sử dụng dầu diesel quá bẩn hoặc lẫn nước, hoặc mòn do sau thời gian dài sử dụng.

- Pít tông chủ yếu mòn ở gờ đỉnh của vùng cung cấp nhiên liệu cạnh lỗ dầu cung cấp.

- Xy lanh ở bề mặt quanh các lỗ dầu do những khu vực này thường xuyên tiếp xúc với dòng nhiên liệu vào và ra khỏi bộ đôi.

2. Van và đế van thoát cao áp:

a) Hiện tượng:

Khi bơm hoạt động áp suất nén nhiên liệu của bơm giảm, vòi phun không phun được nhiên liệu hoặc phun yếu, thời điểm bắt đầu bơm muộn. Công suất động cơ giảm, khí thải có khói đen

b) Nguyên nhân :

Bộ đôi van và đế van thoát cao áp sử dụng lâu ngày bị mòn phần mặt côn làm kín do ma sát hoặc do nhiên liệu bẩn.

- Đệm đế van bị mòn hỏng, lò xo van gãy, yếu.

3. Trục cam, con đội, ổ bi:

a) Hiện tượng:

Khi bơm hoạt động áp suất của bơm giảm.

b) Nguyên nhân:

- Trục cam bơm bị mòn phần lắp với ổ bi, mòn các vấu cam, con đội, ổ bi mòn, vỡ do chịu lực lớn và chịu ma sát.

4. Thân vỏ bơm, lò xo bơm:

a) Hiện tượng:

Trong quá trình bơm hoạt động nhiên liệu bị rò rỉ đầu nối ống và ở thân bơm, áp suất bơm giảm không bơm được nhiên liệu.

b) Nguyên nhân:

Thân bơm bị nứt, vỡ, mòn lỗ lắp ổ bi trục cam, chờn hỏng các lỗ ren do chịu lực va chạm mạnh và chịu lực xiết lớn, tháo lắp không đúng kỹ thuật.

5. Các cảm biến vị trí trục cam, cảm biến bàn đạp ga, van điều khiển áp suất:

a) Hiện tượng: Động cơ không khởi động được hoặc khó khởi động.

b) Nguyên nhân:

- Dây dẫn điện từ các cảm biến đến PCU và dây dẫn điện từu PCU đến các van ngắt, van điều khiển áp suất, hay đến vòi phun bị đứt .

- Hỏng các van điện từ: van điều khiển áp suất, van ngắt.

- Hỏng các cảm biến.

- Hỏng bộ xử lý PCU

- Rò rỉ nhiên liệu trên đường ống cao áp,...

II. PHƯƠNG PHÁP BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA BƠM CAO ÁP PE ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ

1. Phương pháp kiểm tra:

Việc kiểm tra các bộ phận các chi tiết cơ khí về cơ bản tương tự như khiểm tra các chi tiết của bơm cao áp PE điều khiển cơ khí. ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu phương pháp kiểm tra các bộ phận điều khiển điện của bơm cao áp PE điều khiển điện tử. Cụ thể như sau:

Để kiểm tra dây điện có bị ngắt mạch ta dùng đồng hồ VOM để đo kiểm tra mạch nếu dây tốt thì điện trở có giá trị rất nhỏ (xấp xỉ bằng 0).

Để kiểm tra các cảm biến có bọ hỏng không ta dùng VOM để đo giá trị điện trở các cuộn dây của chúng, đồng thời dùng phương pháp kiểm tra bằng mắt quan sát, có thể kết hợp với dụng cụ đo kiểm chiều dài, ... giá trị điện trở của từng loại cảm biến và từng loại bơm nen tham khảo tài liệu kỹ thuật sửa chữa của bơm PE điều khiển điện tử đó.

Đối với PCU: dùng VOM để kiểm tra các giá trị điện thế, hoặc dùng một điện trở kết hợp với một đèn led để kiểm tra tín hiệu điều khiển vời phun,...tham khảo tài liệu (cẩm nang) sưar chữa của từng loại bơm (động cơ) đó.

2. Phương pháp sửa chữa bơm cao áp PE điều khiển điện tử:

- Về phương pháp sửa chữa các chi tiết cơ khí thì tương tự như phương pháp sửa chữa bơm cao áp PE điều khiển cơ khí. ở đây chúng ta chỉ nghiên cửa các bộ phận điều khiển điện-điện tử:

- Đối với dây dẫn điện: nếu bị ngắt mạch có thể nối lại, nhưng tốt nhất nên thay một đoạn dây dẫn điện mới.

- Đối với các van điều khiển áp suất, van ngắt điện từ: nếu hư hỏng thì thay mới

- Đối với PCU: nếu hư hỏng nhỏ như cháy tụ, transistor, ...có thể thay thế được thì thay thế, nếu không phải thay PCU mới.





THỰC TẬP SỬA CHỮA BƠM CAO ÁP TẬP TRUNG PE

ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ



I. BỐ TRÍ NƠI LÀM VIỆC, CHUẨN BỊ DỤNG CỤ

1. Bố trí nơi làm việc:

Bố trí nơi làm việc cho các nhóm học viên mỗi nhóm 2 - 4 học viên, đảm bảo nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát đúng quy định.

2. chuẩn bị dụng cụ:

Tháo lắp, kiểm tra, nguyên vật liệu rửa làm sạch, kiểm tra và bảo dưỡng.

- Bộ dụng cụ đồ nghề sửa chữa “ tô

- Dụng cụ chuyên dùng tháo lắp bơm cao áp PE điều khiển điện tử, khay đựng chi tiết.

- Dầu diesel, giẻ lau

- Các chi tiết và bộ phận tháo rời để thay thế: Bộ đôi pít tông xy lanh, van đế van cao áp, đệm kín, các van điều khiển áp suất, các cảm biến,…

II. THÁO LẮP BƠM CAO ÁP PE ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ

1. Quy trình tháo bơm cao áp:

a). Quy trình tháo bơm cao áp từ động cơ:

- Làm sạch bên ngoài bơm.

- Tháo bơm cao áp từ động cơ xuống (đúng quy trình đã học)

b). Quy trình tháo rời bơm cao áp:

- Rửa sạch bên ngoài bơm tháo rời các chi tiết của bơmtheo đúng quy trình sau:

+ Làm sạch bên ngoài bơm, dùng dầu diesel và dẻ lau rửa sạch bơm và lau khô

+ Tháo các van điều khiển áp suất, cảm biến vị trí trục cam,...

+ Tháo nắp bơm xi lanh, pit tông bộ đôi cao áp, lò xo, con đội con lăn, ...

+ Tháo nắp và lấy bơm tiếp vận ra. Chú ý chiều lắp đặt.

+ Tháo các ổ đỡ và lấy trục cam ra. Chú ý dùng đúng dụng cụ tháo lắp ổ bi.

+ Làm sạch và sắp xếp các chi tiết theo đúng thứ tự (cần lập bảng kê các chi tiết).

+ Kiểm tra hư hỏng và sửa chữa các chi tiết của bơm.

* Chú ý tháo đúng yêu cầu kỹ thuật:

. Các chi tiết tháo ra phải được rửa sạch và sắp xếp theo thứ tự của từng nhánh bơm.

. Không làm hư hỏng các chi tiết trong quá trình tháo

. Đảm bảo an toàn trong quá trình tháo.

2. Quy trình lắp:

- Lắp hoàn thiện bơm sau khi tháo, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa: (Ngược với quy trình tháo)

- Lắp bơm lên động cơ: đúng quy trình đã học (Sau khi đã cân chỉnh).

* Lắp đúng yêu cầu kỹ thuật:

. Các chi tiết phải được làm sạch lần cuối trước khi lắp.

. Thực hiện lắp bơm trong phòng riêng (đóng kín cửa, không có bụi bẩn)

. Dụng cụ lắp phải sạch sẽ

. Không dùng giẻ lau bề mặt các chi tiết của các bộ đôi mà chỉ rửa chúng trong dầu diesel sạch.

. Lắp xy lanh vào thân bơm đúng vị trí định vị

. Độ xê dịch dự trữ của pít tông > 0,3mm.

. Khe hở dọc trục cam 0,1 - 0,25mm

. Chiều cao con đội phụ thuộc loại bơm (khoảng 37,6 - 39,1mm). Phải tham khảo tài liệu hướng dẫn sửa chữa bơm cao áp tương ứng.

- Trong quá trình lắp bơm không làm hư hỏng các chi tiết, phải đảm bảo an toàn.

III. KIỂM TRA, BẢO DƯỠNG BƠM CAO ÁP PE ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ

1. Kiểm tra áp suất bơm:

Kiểm tra bộ đôi pít tông xy lanh bơm và van thoát dầu cao áp xem pít tông xy lanh bơm và van thoát dầu cao áp có đảm bảo độ kín tốt không bằng phương pháp sau:

Dùng đồng hồ áp suất (áp kế) để kiểm tra áp suất bơm, tiến hành như sau:

- Tháo các ống dẫn dầu cao áp

- Lắp vào nhánh bơm 1 một áp kế chịu được áp suất lớn hơn 1350 bar.

- Xả sạch không khí trong bơm bằng cách:

* Đặt chân ga ở vị trí chưa làm việc

* Nới lỏng vít xả gió nơi thân bơm

* Tác động cần bơm tay cho dầu trào ra cho đến lúc hết bọt khí, vặn chặt vít xả lại.

- Quay cho cam lệch tâm nhánh bơm 1 về vị trí không tác động. đạm chân ga về vị trí cung cấp nhiên liệu tối đa.

- Quay trục bơm 2-3 vòng nếu áp suất áp kế chỉ 1350 bar (khi pit tông ở vị trí cam nâng cực đại) là pít tông xy lanh bơm đảm bảo độ kín tốt.

- Duy trì áp suất này trong 10 giây nếu áp suất trên đồng hồ không tụt xuống quá 150 bar là van thoát cao áp tốt.

-Tiếp tục kiểm tra như thế đối với nhánh bơm còn lại.

Nên tham khảo tài liệuhướng dẫn sửa chữa từng loại bơm.

2. Kiểm tra và điều chỉnh thời điểm bắt đầu bơm của các nhánh bơm:

Bước điều chỉnh này nhằm mục đích thống nhất góc độ bắt đầu bơm nhiên liệu của các nhánh bơm PE.

Phương pháp điều chỉnh bơm PE điều khiển điện tử có 2 nhánh bơm:

Kiểm tra thời điểm bắt đầu bơm theo phương pháp ngưng trào

- Xả sạch gió trong bơm cao áp PE điều khiển điện tử.

- Tháo van thoát dầu cao áp lắp trên nhánh bơm 1, lắp vào đó một ống nghiệm chử U để theo dõi dầu trào ra. Để bàn đạp ga ở vị trí cung cấp nhiên liệu tối đa.

- Xoay trục cam bơm đúng chiều làm việc để cho dầu trào ra, tiếp tục xoay cho đến lúc dầu ngưng trào.

- Lắp vào đầu trục cam bơm một mâm chia độ (00, 600, 1200, 1800, 2400,,3000,3600), để nấc 0 - 3600 ngay dầu cố định trên thân bơm.

- Tiếp tục thao tác như vậy đối với nhánh bơm còn lại khi ta xoay trục cam bơm đến vạch 600 dầu ở trên nhánh bơm này phải ngưng trào.

3. Kiểm tra điều chỉnh lưu lượng của các nhánh bơm PE:

Mục đích của bước kiểm tra điều chỉnh lưu lượng cung cấp nhiên liệu của các nhánh bơm để cho ở một số vòng quay và vận tốc nhất định của trục cam bơm tương ứng với một vị trí thanh răng, các nhánh bơm phải bơm ra một lượng nhiên liệu bằng nhau.

- Lắp bơm cao áp lên thiết bị đúng vị trí

- Lắp các kim phun nhiên liệu vào các ống thủy tinh có ghi phân khối.

- Xả sạch gió trong bơm cho động cơ của thiết bị hoạt động.

Ví dụ: Tốc độ 1.800 vòng/phút trong 500 vòng.

- Khi máy ghi số vòng chỉ đủ 500 vòng động cơ sẽ tự động ngừng, các ống thủy tinh sẽ được đưa ra khỏi tầm hứng của các kim phun.

- Quan sát mức nhiên liệu trong các ống nghiệm phải đều nhau và đúng lượng quy định của từng loại bơm đang kiểm tra điều chỉnh.

- Nếu mức nhiên liệu không đều nhau ta tiến hành điều chỉnh như sau:

- Thêm hoặc bớt đệm ở đuôi pit tông bơm .

- Lắp lại, tiếp tục kiểm tra và điều chỉnh cho đến lúc lượng nhiên liệu hứng được trong các ống nghiệm đồng đều nhau và đúng lượng quy định.

4. Kiểm tra các cảm biến, các van điện từ, ECU:

(đã trình bày ở phần trên)

5. Bảo dưỡng bơm cao áp PE điều khiển điện tử

a). Tháo bơm cao áp (theo đúng quy trình) và làm sạch các chi tiết của bơm.

. Dùng dụng cụ chuyên dùng tháo lắp bơm cao áp PE điều khiển điện tử và bộ dụng cụ đồ nghề tháo lắp “ tô.

b). Kiểm tra chi tiết thân bơm, ổ bi, trục cam, con đội, pít tông, xy lanh, cụm van thoát cao áp, các van điều khiển áp suất, PCU, ...

. Dùng pan me kiểm tra độ mòn của trục cam, con đội, dụng cụ chuyên dùng kiểm tra độ kín của bộ đôi pít tông, xy lanh, van và đế van thoát cao áp. Dùng VOM, điện trở, đèn led,.. để kiểm tra các cảm biến, dây điện, PCU (phải tham khảo tài liệu hướng dẫn sửa chữa tương ứng).

c). Tra mỡ các vòng bi.

d). Lắp bơm và cân chỉnh: áp suất, lưu lượng các nhánh bơm, điểm bắt đầu bơm.

IV. SỬA CHỮA BƠM CAO ÁP PE ĐIỀU KHIỂN ĐIỆN TỬ

1. Bộ đôi pít tông-xy lanh bơm:

a) Hư hỏng và kiểm tra:

- Hư hỏng chính của cặp pít tông xy lanh bơm cao áp là bị nứt, gãy pít tông bơm, bị mòn cặp pít tông xy lanh.

- Kiểm tra: Dùng đồng hồ áp suất để kiểm tra áp suất của bơm cao áp, xác định hư hỏng của cặp pít tông xy lanh bơm nếu áp suất < 1350 bar là pít tông xy lanh bơm bị mòn.

b) Sửa chữa:

Pít tông bơm cao áp bị nứt gãy thay cả cặp.

Bị mòn nhiều khe hở lớn hơn 0,003 mm thì mạ thép hoặc mạ cờ rôm sau đó đánh bóng đến khe hở lắp ghép hoặc thay mới cả cặp.

Có nhiều cặp pít tông xy lanh bơm bị mòn ít hay mòn không đều giữa pít tông và xy lanh thì tiến hành chọn lắp từng cặp bằng cách lấy pít tông mòn ít, bề mặt không bị cào xước cho vào từng xy lanh nếu đẩy vào được 2/3 - 3/4 chiều dài lắp ghép thì hơi chặt là còn dùng được. Xoáy rà bằng bột nhuyễn cho đến khi pít tông lọt hết vào xy lanh. Sau đó rửa sạch bằng dầu diesel rồi lắp pít tông vào trong xy lanh 1/3 chiều dài để nghiêng 75o, nếu pít tông rơi xuống từ từ là đạt yêu cầu còn dùng được, nếu rơi nhanh khe hở lớn không dùng được phải thay.

2. Sửa chữa van và đế van thoát cao áp:

a) Hư hỏng và kiểm tra:

- Hư hỏng của van và đế van bị mòn mặt côn làm kín, bề mặt đáy của đế van bị mòn không phẳng

- Kiểm tra: Dùng đồng hồ áp suất để kiểm tra áp suất của bơm (như đã nêu trên).

b) Sửa chữa van và dế van thoát cao áp : Bề mặt côn làm kín hoặc mặt bề đáy của van không phẳng tiến hành rà bằng bột nhuyễn hoặc bột rà tinh đạt đến yêu cầu. Bị mòn rỗ bề mặt làm kín thay mới cả bộ van và đế van.

Lò xo van giảm độ đàn hồi, gãy thay đúng loại hoặc thêm đệm nếu độ giảm chiều cao lò xo < 2 mm. Đệm đế van mòn hỏng thay mới.

3. Trục cam, con đội ổ bi:

a) Hư hỏng và kiểm tra:

- Hư hỏng: Trục cam bị mòn các vấu cam, mòn phần lắp với ổ bi, chờn hỏng ren đầu trục cam, con đội, ổ bi bị mòn.

- Kiểm tra: Dùng pan me đo độ mòn các vấu cam rồi so với tiêu chuẩn. Quan sát phần ren đầu trục bơm xem có bị chờn hỏng ren không. Vòng bi mòn thể hiện ở độ rơ dọc trục và độ rơ hướng kính. Vòng bi được gá và kẹp chặt lên đồ gá bằng côn định tâm vòng trong. Khi kiểm tra dùng tay lắc áo ngoài của vòng bi theo hai phương các đồng hồ so tỳ lên áo ngoài theo phương hướng kính và phương dọc trục của vòng bi sẽ báo độ rơ của vòng bi.

b) Sửa chữa:

- Hàn đắp các vấu cam rồi gia công lại đúng biên dạng ban đầu.

- Hàn đắp vào phần ren rồi tiên láng và gia công lại ren.

- ổ bi và con đội bị mòn thay mới đúng loại.

4. Vỏ bơm cao áp và lò xo bơm:

a) Hư hỏng và kiểm tra:

- Hư hỏng: Vỏ bơm bị mòn lỗ lắp bi trục cam, chờn hỏng các lỗ ren, vỏ bơm bị nứt.

- Kiểm tra: dùng thước đo độ mòn lỗ lắp ổ bi, quan sát các vết nứt, chờn hỏng ren bằng mắt và kính phóng đại.

b) Sửa chữa: Mòn lỗ lắp ổ bi có thể hàn đắp gia công lại đúng kích thước ban đầu. Nứt vỏ hàn đắp gia công sửa nguội. Lò xo pít tông bơm bơm mất tính đàn hồi, đo chiều dài lò xo giảm thấp < 2 mm thay lò xo mới đúng loại.

5. Các cảm biến, các van, CPU, dây điện:

Nếu hư hỏng phải thay mới đúng loại.
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên