cần biết về hệ thống giám sát áp suất lốp (TPMS)

H
Bình luận: 3Lượt xem: 2,109

haui

Tài xế O-H
Nguồn bài viết được lấy từ diễn đàn otosaigon
Tuy tiêu chuẩn Việt Nam chưa bắt buộc các xe mới xuất xưởng phải trang bị hệ thống giám sát áp suất lốp (TPMS - Tire Pressure Monitoring System) như Mỹ đã làm từ 2007 và Châu Âu sẽ từ 2012, TPMS đang dần trở nên quen thuộc tại xứ ta.

Qua bài này, em xin chia sẻ với các bác một số hiểu biết và kinh nghiệm về TPMS, có gì chưa chuẩn thì xin các bác dạy bảo thêm ạ.

1. Sự ra đời của TPMS

Hẳn chúng ta ai cũng muốn cứ ngồi phưỡn trên xe mà biết tình trạng từng lốp xe nó cứng mềm thế nào, nóng nguội ra sao mà không phải xuống tháo van, gí đồng hồ vào đo. TPMS ra đời nhằm đáp ứng cho yêu cầu nâng cao sự an toàn và tiện lợi cho người sử dụng. Không chỉ đỡ đần cho chúng ta việc nhỏ nêu trên mà quan trọng hơn nó giúp nâng cao hệ số an toàn, hạn chế những vụ nổ lốp gây thiệt hại về người và tài sản.

Hệ thống TPMS đầu tiên trên loại xe hành khách được lắp cho chiếc Porsche 959 đời 1986 và sau đó TPMS được các hãng xe hạng sang như BMW, Audi, Mercedes trang bị cho các dòng xe của mình.

TPMS liên tục phát triển, cải tiến nhưng cột mốc cho sự phát triển của TPMS là vào những năm cuối thập niên 90. Trước thực trạng hàng trăm mạng sống mất đi hàng năm do tai nạn lật xe vì nổ lốp, chính quyền Bill Clinton đã thông qua luật kể từ 01/09/2007 trở đi, 100% xe có tải trọng từ 4,5 tấn trở xuống được bán tại Mỹ bắt buộc phải trang bị TPMS. Tiếp nối Mỹ, Châu Âu cũng đã thông qua luật bắt buộc tất cả xe chở người bán tại thị trường Châu Âu kể từ 2012 buộc phải trang bị TPMS. Và nghe đâu bác Hồ Cẩm Đào cũng tính từ 2013 TPMS cũng là tiêu chuẩn bắt buộc cho xe mới tại thì trường nước này.

2. TPMS hoạt động như thế nào

Một cách tự nhiên muốn biết áp suất lốp thế nào thì phải đo rồi báo về để hiện lên đồng hồ.
TPMS hoạt động theo lẽ tự nhiên ấy được gọi là TPMS loại trực tiếp, tức nó có cảm biến (sensor) đo đạc nhiệt độ, áp suất trong lốp rồi gửi thông tin qua sóng vô tuyến về bộ thu (ECU/Receiver) rồi được hiển thị (Display).


Để đo áp suất, nhiệt độ trong lốp người ta dùng một mạch điện tử gồm một bộ vi xử lý, các cảm biến đo áp suất, nhiệt độ, điện áp pin nuôi mạch và một bộ phát sóng vô tuyến. Thiết bị này được lắp đặt trong lốp xe và thường được sản xuất dưới dạng một van, có thể lắp vừa tất cả mâm tiêu chuẩn. Hình dưới là một cảm biến điển hình, vừa làm nhiệm vụ một van như bình thường, vừa đo đạc áp suất và nhiệt độ trong lốp và phát sóng thông tin này về bộ thu:


Một loại TPMS khác gọi là gián tiếp dùng ngay thông tin về tốc độ quay của 04 bánh xe mà bất cứ hệ thống chống bó cứng phanh ABS nào cũng có rồi so sánh để phát hiện bất thường về áp suất lốp.


TPMS gián tiếp dựa trên nguyên tắc khi một bánh mềm hơn ->đường kính giảm đi -> quay nhanh hơn. Bằng cách so sánh tốc độ quay của các bánh xe, có thể phát hiện ra một lốp mềm hơn hoặc căng hơn các lốp còn lại. Như vậy hệ thống TPMS gián tiếp tận dụng ngay các cảm biến của hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), chỉ cần phát triển, bổ sung thêm module phần mềm trên ECU và bộ hiển thị là xong, không phát sinh thêm nhiều phần cứng như TPMS trực tiếp.

(Còn tiếp ...)
 

haui

Tài xế O-H
3. Khác biệt giữa TPMS trực tiếp và gián tiếp

TPMS loại trực tiếp có một ưu điểm nổi bật so với TPMS loại gián tiếp là nó đo được chính xác tình trạng áp suất + nhiệt độ từng lốp trong khi TPMS gián tiếp chỉ biết một cách chung chung là một lốp nào đó đang mềm hơn hoặc cứng hơn các lốp còn lại.

Nhưng cái gì cũng có giá của nó. TPMS loại trực tiếp cần lắp đặt thêm thiết bị cảm biến vào trong lốp trong khi TPMS gián tiếp không cần, chỉ cần nâng cấp phần mềm của hệ thống ABS và thêm phần hiển thị là xong. Thống kê cho thấy, 67% xe sản xuất vào năm 2000 được trang bị ABS, với các xe đã có ABS thì chỉ cần nâng cấp thêm phần mềm và thêm bộ hiển thì là thành TPMS. So với TPMS loại gián tiếp, TPMS trực tiếp có giá thành cao hơn, phức tạp hơn cả trong lắp đặt, thay thế, sửa chữa.

Những bác chạy xe có TPMS nhưng nếu thông tin chung chung về tình trạng áp suất lốp thì gần như chắc chắn là loại TPMS gián tiếp. TPMS gián tiếp còn có một số hạn chế khác nữa là nó hoạt động kém chính xác trong một số tình huống như khi cả hai bánh hoặc cả bốn bánh mềm hoặc cứng gần như nhau. Hoặc khi xe chạy trên quãng đường cong, lúc đó bánh xe ở ngoài sẽ quay nhanh hơn bánh xe ở trong, TPMS sẽ lầm tưởng là bánh xe ngoài đang bị mềm hơn bánh trong và phát ra cảnh báo lốp mềm trong khi thực tế lốp có áp suất đúng chuẩn.

4. Lợi ích của TPMS

Nguồn http://www.sigmaautomotive.com/TPMS/portal.php

Người Mỹ nổi tiếng thực dụng. Đằng sau luật bắt buộc trang bị TPMS là những lợi ích to lớn mà TPMS đem lại. Người Mỹ ước tính mỗi năm tốn khoảng 2 tỉ gallon nhiên liệu do lốp mềm, gấp 2 lần dự trữ quốc gia. Và 32% số lốp xe đang chạy có áp suất thấp hơn 30% so với mức tiêu chuẩn. Cứ mỗi 0,2 bar áp suất thấp hơn chuẩn thì tiêu thụ nhiên liệu tăng thêm 1% và lốp sẽ mau mòn hơn 5% (một số tổ chức còn đưa ra tỉ lệ lốp mau mòn hơn là 15% cho mỗi 0,2 bar thấp hơn áp suất chuẩn). Tỉ lệ thoát khí của một lốp bình thường là khoảng 0,2 bar một tháng.

Đấy là lợi ích từ tiết kiệm nhiên liệu và đỡ mòn vỏ xe. Một ích lợi khác liên quan đến vấn đề an toàn. Thống kê cho thấy năm 2005 có khoảng 200.000 vụ nổ lốp và riêng tại Mỹ đã có hơn 100 nhân mạng mất đi do nguyên nhân trực tiếp là nổ lốp. Tại Việt Nam, theo thống kê của ban quản lý đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, kể từ khi đưa vào hoạt động, trong năm qua đã có 1.400 vụ xe nổ lốp trên đoạn đường cao tốc này.

TPMS giúp người lái có thông tin chính xác về tình trạng áp suất của lốp xe để duy trì áp suất chuẩn. Lợi ích đem lại là vừa tiết kiệm nhiên liệu, vỏ xe đỡ mòn vừa giảm thiểu tình trạng nổ lốp có thể gây tai nạn thảm khốc.
 

haui

Tài xế O-H
[video=youtube;WE6QVvpmFm0]http://www.youtube.com/watch?v=WE6QVvpmFm0&feature=player_embedded[/video]
[video=youtube;R8pI2FSov90]http://www.youtube.com/watch?v=R8pI2FSov90&feature=player_embedded[/video]
[video=youtube;iPW6kiqag60]http://www.youtube.com/watch?v=iPW6kiqag60&feature=player_embedded[/video]
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên