Kết cấu các chi tiết thuộc xilanh chính loại piston kép

khoadongluc
Bình luận: 1Lượt xem: 5,255

khoadongluc

Nothing Is Impossible
Nhân viên
a) Cốc đỡ lò xo:
Cốc đỡ lò xo bố trí trên xilanh chính có mạch ống dẫn bố trí chéo.Nó có tác dụng đảm bảo sự hoạt động chính xác của hệ thống phanh mạch chéo, áp suất dầu như nhau phải được tạo ra bởi cả 2 piston. Để đạt mục tiêu này, lò xo hồi piston số 1 được đỡ bởi cốc đỡ, cốc được bắt vào piston nhờ cần nối, điều này cần thiết bởi lò xo số 1 yêu cầu lực lắp lớn hơn lò xo số 2 để thắng được sức cản ma sát lớn hơn của piston số 2.

Hình 1: Vị trí cốc chặn lò xo.
b) Van một chiều cửa ra :
Van này có tác dụng làm dầu chảy nhanh từ xilanh chính đến các xilanh con nhưng hồi chậm dầu từ xilanh con về xilanh chính. Nó còn có tác dụng tạo ra một lượng áp suất nhỏ ở đường ống phanh và xilanh con để chống lại sự rò rỉ dầu.

Hình 2: Van một chiều cửa ra

+ Cấu tạo:
- Van một chiều cửa ra được gắn với một lò xo nén ở giữa cửa ra của xilanh chính và nút dầu ra. Vì vậy, van này bị lò xo nén đẩy sang trái và ngăn buồng H với buồng M tại điểm A. Các van một chiều được làm bằng cao su và có dạng hình lưỡi gà ở phần đầu.
- Lưỡi gà đóng khi không có áp suất và mở khi có áp suất. Nó cho phép dầu chảy dễ dàng từ buồng M sang buồng H.
+ Hoạt động:
- Khi đạp phanh sẽ sinh ra áp suất dầu tại buồng M của xilanh chính. Áp suất dầu bên trong mỗi xilanh bánh xe tác dụng lên các miệng của các cupben piston và đẩy chúng ép vào thành xilanh, vì vậy ngăn cản không cho dầu bị rò.
- Khi nhả chân phanh, piston của xilanh chính bị lò xo hồi đẩy về vị trí ban đầu và áp suất trong buồng M giảm đột ngột tạo ra độ chân không tạm thời. Lúc này áp suất dầu bên trong xilanh chính tác dụng lên miệng cupben tách nó ra khỏi thành xilanh. Dầu từ cửa vào chảy vào buồng M.

Hình3: Hoạt động van một chiều cửa ra.

Lúc này, lưỡi gà trong van một chiều đóng lại, áp suất dầu trong xilanh bánh xe thắng lực lò xo nén và đẩy van một chiều sang phải làm dầu hồi về xilanh chính.
- Piston của xilanh bánh xe bị lò xo hồi vị guốc phanh đẩy về vị trí ban đầu. Vì vậy làm giảm độ chân không trong buồng M nên van một chiều bị lò xo nén đẩy sang trái để bịt đường dầu giữa xilanh bánh xe và buồng M. Do đó, áp suất dầu còn dư lại ở phía xilanh xe của piston sẽ tương đương với lực của lò xo nén.
Áp suất dư tác dụng lên các miệng cupben của piston trong xilanh bánh xe. Vì vậy miệng cupben bị ép liên tục lên thành xilanh làm dầu không bị rò rỉ.
Khi nhả phanh chân nhanh, piston trong xilanh chính hồi nhanh hơn piston trong xilanh bánh xe (piston xilanh bánh xe hồi vị nhờ lò xo hồi vị guốc phanh nhưng bị cản trở bởi ma sát giữa guốc phanh và đĩa đỡ phanh). Nếu không có van một chiều, chân không có thể sinh ra trong xilanh bánh xe làm cho bọt khí lọt vào trong xilanh bánh xe. Van một chiều ngăn cản khí lọt vào trong hệ thống phanh.
c) Bình dầu:
Bình dầu có thể bố trí gắn liền hoặc tách rời với xilanh phanh chính.
- Lượng dầu trong bình chứa thay đổi trong quá trình phanh hoạt động. Sự dao động của áp suất được ngăn chặn bởi một lỗ thông hơi nhỏ trên nắp bình dầu nối thông với áp suất khí quyển.

Hình 4: Lỗ thông khí trong bình chứa

- Xilanh chính kiểu tác dụng độc lập (loại piston kép) bố trí bình dầu đơn, nó có một vách ngăn bên trong để chia bình thành hai phần. Mục đích của việc chia bình dầu thành hai phần là: nếu một mạch bị rò rỉ thì mạch kia vẫn hoạt động hãm xe.

Hình 5: Loại bình dầu đơn.

- Khi dầu trong bình đủ thì công tắc báo hiệu mức dầu phanh tắt. Khi mức dầu tụt xuống dưới mức tối thiểu, phao cũng tụt xuống làm bật công tắc, lúc này đèn phanh sáng lên để báo hiệu cho tài xế biết.

Hình 6: Cấu tạo công tắc báo mực dầu phanh

d) Dầu phanh:
Dầu phanh là loại dầu thủy lực dùng để truyền dẫn áp suất đến hệ thống phanh ôtô. Dầu phanh phải đạt các tiêu chuẩn sau:
- Tính hóa trơ: Không ăn mòn, không tác hại đến vật liệu mà nó tiếp xúc.
- Có đủ độ nhờn để bôi trơn và làm kín piston – xilanh chính, piston – xilanh con của hệ thống phanh.
- Không làm nở hoặc hư hỏng các cupben cao su trong hệ thống phanh, không gây rỉ hoặc sét các xilanh phanh.
- Có độ nhớt phù hợp, nhiệt độ của dầu có thể lên tới 2120F (1000C) khi hệ thống phanh hoạt động.
Hiện nay, trên thị trường phân ra làm 3 loại theo bộ giao thông (Mỹ) DOT quy định như sau:
+ DOT 3
Loại dầu này, hiện nay được dùng phổ biến trên rất nhiều loại xe. Nó có những đặc điểm sau:
- Dot 3 có khả năng hút ẩm tốt. Chất ẩm sẽ bị hút bởi dầu phanh thông qua một màng mỏng.
- Dot 3 phải đựng trong thùng kín cách ly với không khí nhằm tránh tiếp xúc với chất ẩm.

Hình 7: Bình dầu phanh Dot 3

+ DOT 4
Loại này thường dùng cho hệ thống phanh đĩa vì khi hoạt động, loại dầu phanh này sinh ra nhiệt lớn hơn loại tang trống. Loại này không hút ẩm tốt bằng Dot 3, nếu trong dầu phanh có chất ẩm khi dầu phanh bị nóng do tác động phanh liên tục, chất ẩm sẽ bị bốc hơi tạo bọt làm mất hiệu lực hãm phanh.
Vì vậy cần phải bố trí cách ly với không khí và tránh tiếp xúc với chất ẩm.

+ DOT 5
- Dot 5 có gốc silicon, nên nó chịu được nhiệt độ cao hơn so với 2 loại trên.
- Dot 5 rất kỵ với Dot 3 và Dot 4 nên không thể trộn lẫn chúng với nhau.
- Dot 5 không gây hư hỏng và không ăn mòn các cupben cao su.
- Dot 5 có giá thành rất đắt, có thể gấp 4 lần giá thành của Dot 3.
Vì các đặc tính nói trên, nên dùng đúng loại dầu phanh do nhà chế tao quy định cho từng loại ôtô. Tuyệt đối không lẫn lộn giữa dầu phanh này và dầu
phanh kia, không được làm vấy bẩn xăng, dầu, mỡ vào trong hệ thống phanh.
Chú ý: DOT3, DOT4, DOT5 các kí hiệu này được ghi rõ trên bình dầu phanh.Vì vậy nên chú ý khi thay dầu phanh để tránh nhằm lẫn.
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên