Kinh nghiệm vượt cát

khoadongluc
Bình luận: 1Lượt xem: 2,156

khoadongluc

Nothing Is Impossible
Nhân viên
Bạn có phải là người thích khám phá các vùng đất hoang sơ ? Bạn có phải là người thích mạo hiểm vượt qua mọi thử thách ? Bạn có phải là người hay phải đi công tác vào những nơi “Vùng sâu, vùng xa” ? Với những nơi như vậy, bạn sẽ làm gì khi gặp những đoạn đường toàn cát, hoặc bùn lầy? Hay đành đỗ xe trên đường, xuống xe và đành phải “lội” bùn, cát vào sâu những vùng bên trong?

Nhiều lần chúng tôi đã có ý định khám phá những đoạn đường như vậy, nhưng những người có kinh nghiệm đều khuyên : Hãy tránh xa những đoạn đường cát sâu và đầm lầy, vì bạn sẽ không thể nào thoát ra được nếu bị sa lầy. Nhưng đam mê khám phá đã khiến chúng tôi quyết định thử một chuyến lên đồi cát xem sao. Và đồi cát Mũi Né là nơi chúng tôi chọn để thử nghiệm. Ngay hôm đầu tiên đi tìm hiểu cung đường bằng chiếc MPV chúng tôi đã bị sa lầy. Thoạt trông, đường cát tưởng dễ đi, ai ngờ vừa lao vào đoạn ít cát nhất vẫn bị sa lầy. Phải mất khá nhiều thời gian đào bới cát giữa trời nắng gay gắt, chúng tôi mới đẩy được chiếc xe ra khỏi nơi bị lầy.
Quay trở về khu resort Indochina, trao đổi với ông Quyền, chủ của khu resort, chúng tôi mới biết là đi trên cát cần có rất nhiều kinh nghiệm. Phải chuẩn bị kỹ từ những “phụ tùng” như dây tời, xẻng nhỏ, quốc nhỏ và có thể là một cái lều nhỏ. Khâu kiểm tra lốp rất quan trọng. Được biết trong lịch sử phát triển xe hơi, loại lốp dùng riêng đi trên cát chỉ được sản xuất 1 lần trong chiến tranh thế giới thứ 2 nhằm phục vụ chiến tranh và được những chiếc xe Đức của công ty Africa Corp sử dụng rất hiệu quả. Ngày nay, ngoài loại lốp XZS của Michelin, hầu như không còn ai quan tâm nhiều đến loại lốp này nữa.
Lốp xe nên xì bớt hơi còn khoảng 6 psi. Như vậy bề mặt tiếp xúc của lốp với cát sẽ tăng lên làm độ bám đường tốt hơn. Và bạn nhớ là phải bơm căng lại khi lên đường nhựa đấy nhé. Nếu dùng lốp mòn 75% thì còn tốt hơn, vì lúc này lốp sẽ “nổi” trên cát mà không bị “chìm” vào trong cát. Trước khi lên một đụn cát mới, ông Quyền đều xuống đi bộ, dùng chân thử độ dày và độ lún sâu của cát. Sau khâu chuẩn bị, với sự tự tin, tỳ tay vào cửa xe và đeo kính ôm chặt mắt tránh cát, bánh xe hướng thẳng phía trước, chúng tôi quyết định lấy đà và “phóng lên cát”.
Việc này phải được thực hiện một cách dứt khoát. Giữ nguyên đà và tốc độ khoảng 50 km/h và sử dụng số 3. Thực sự lúc này chúng tôi có cảm giác đang lao vào một biển cát mêng mông đến tận chân trời trong câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm”, Ali-Baba và 40 tên cướp và những đoàn lạc đà. Đứng trên đồi cát, gió cát thổi rất mạnh, buộc chúng tôi phải áp sát mắt vào chiếc máy ảnh để tránh cho cát không bay vào mắt. Gió cát quất vào mặt, vào cổ rát bỏng. Cát chui vào khắp nơi. Đầy tai, tóc, cổ và bám đầy người. Chúng tôi phải cởi áo và quấn vào mặt, nếu không cát chui cả vào mũi. Chưa bao giờ chúng tôi được “thưởng thức” gió cát mạnh đến thế tại Mũi Né. Nhiệt độ ngoài trời lúc này lên đến trên 40 độ. Nắng cháy da. Lúc này chúng tôi hiểu được tại sao người Trung Đông, những bộ lạc trên sa mạc lại phải quấn kín người và mặt mũi như vậy. Việc lái xe trên cát sẽ làm bạn rất chóng mệt mỏi, vì nhìn gần, nhìn xa và nhìn ra xung quanh, đâu đâu cũng chỉ là một màu vàng của cát. Nếu bạn chưa quen, mắt bạn sẽ rất nhanh mỏi và không còn khả năng nhìn rõ mọi vật xung quanh nữa, cũng giống như bạn ngắm nhìn bức tranh với một vật màu trắng trên một nền vải trắng. Lúc này bạn nên nhắm mắt lại một lúc và nghỉ ngơi nếu bạn đi một mình, hoặc đổi lái cho người đi cùng. Tốc độ trên cát có thể đạt tới 90 km/h. Bạn nên đi vào vệt bánh xe trước. Nếu bị chệch hướng, bạn nên giảm tốc độ, đánh nhẹ vô lăng (khoảng 1/8 vòng quay thôi) sang 2 bên trái phải để bánh trước tìm bám được mặt đường để quay lại hướng cũ. Nên lưu ý khi giữ vô-lăng, bạn không được “nắm” mà phải “tỳ” vào vô lăng tránh việc “trả lái” sẽ làm gãy ngón tay của bạn.
Khi bạn thấy nhiều điều thú vị trên đường và muốn được quan sát gần hơn, hãy tắt máy để cho xe tự dừng lại mà không phanh, không được rời khỏi rãnh đường đang đi. Nếu bạn muốn chuyển hướng khác, hãy xuống đi bộ, lấy chân thử độ sâu của cát, lên xe tiến lên chỗ vừa thử. Sau đó lại xuống xe lại thử. Dò dẫm từng bước như vậy mới có thể tiến lên được. Việc thực hiện quay vòng càng rộng càng tốt. Nếu bánh xe bắt đầu quay tại chỗ, hãy giảm bớt ga, thậm chí giảm bớt hơi trong lốp, xuống xe cào bớt lớp cát ngập bánh xe và tăng ga từ từ. Tuyệt đối không tăng, giảm tốc độ đột ngột. Khi đi lên đồi cát, bạn phải đi thẳng lên hoặc xuống, không được đi ngang. Khi không lên được đỉnh đồi thì bạn cài số lùi thẳng xuống. Tuyệt đối không được để trôi xe tự do xuống hoặc quay đầu xe. Hãy cẩn thận nhé, nếu xe bị sa lầy, thì việc đi bộ trên cát nóng hàng chục km sẽ thực sự “ấn tượng” đấy, hoặc là phải ngủ đêm lại trên cát. Nếu trường hợp này xảy ra thì tốt nhất là lên xe, đóng kín cửa và ngủ luôn trên xe, nếu bạn không muốn bị những con bọ, rắn chui vào quần áo của bạn. Tôi đã đọc nhiều truyện tả về những giấc ngủ ngoài trời như vậy, nào là dưới bầu trời đầy sao, nhưng thực sự có lãng mạn như vậy không thì các bạn hãy thử một lần xem nhé, và đây là Mũi Né chứ không phải là sa mạc Sahara trên đường Paris-Dakar đâu mà sợ. Cảm giác sau chuyến đi thực sự ấn tượng. Hy vọng những kinh nghiệm nhỏ trên đây giúp phần nào cho các bạn trong công việc cũng như trong những cuộc du lịch khám phá.


 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên