"Sự cố Toyota": lỗi cơ khí hay điện tử?

H
Bình luận: 0Lượt xem: 977

hochoi

Tài xế O-H
Từ cuối năm 2009 đến nay, Toyota đã thu hồi để sửa chữa hơn 8 triệu xe thuộc tám dòng xe bán chạy do lỗi chân ga. Đến đầu tháng 2, Toyota tiếp tục thu hồi dòng xe Prius đời 2010 do lỗi chân phanh. Một câu hỏi đang đặt ra: lỗi “phần cứng” như lãnh đạo Toyota khẳng định hay lỗi “phần mềm” như các chuyên gia ôtô nói?

Chủ tịch Toyota Akio Toyoda cúi đầu xin lỗi khách hàng
Trung Quốc trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh tối 1-3.
Ảnh: Reuters
Đầu tháng 2-2010, Toyota tuyên bố lỗi chân phanh ở xe động cơ lai xăng - điện Prius là do phần mềm. Các kỹ sư Toyota mô tả một lỗi trong phần mềm điều khiển hệ thống phanh chống bó cứng (ABS) hiện đại của Prius đã khiến phanh xe không hoạt động trong khoảng thời gian chưa đầy một giây. Và Toyota đã sửa lỗi phần mềm này.​
Tuy nhiên, liên quan đến lỗi chân ga khiến xe tăng tốc đột ngột, Toyota lại tuyên bố lỗi này xuất phát từ nguyên nhân cơ khí chứ không phải nguyên nhân điện tử. Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ mới đây, chủ tịch Toyota, ông Akio Toyoda, cũng một lần nữa khẳng định lỗi cơ khí này.​
Tại Mỹ, đã có hàng chục khiếu nại về việc xe Toyota đột ngột tăng tốc dù người lái xe không nhấn chân ga. Các quan chức Toyota giải thích các sự cố này là do lỗi cơ khí hoặc tài xế nhấn nhầm chân ga. Sự thật có phải như vậy?​
Những chiếc máy vi tính có bánh xe
Các kỹ sư Hãng Ford năm ngoái tiết lộ một hiện tượng lạ: tín hiệu sóng từ hai dây trong xe Ford Fusion và Mercury Milan đã khiến hệ thống kiểm soát phanh xe hoạt động sai. Tín hiệu sóng chạm vào một thiết bị cảm biến, gửi một tín hiệu lạ đến hệ thống vi tính trung tâm của xe. Máy vi tính không nhận ra tín hiệu này nên đã ngắt hệ thống phanh điện của xe và chuyển sang hệ thống phanh thủy lực dự phòng. “Khi xe đang chạy trên đường, mọi điều khác lạ đều có thể xảy ra” - kỹ sư điện tử Anh Keith Armstrong nhận định.
Ngành chế tạo ôtô đã phát triển với tốc độ tên lửa kể từ cuối thập niên 1990, và những chiếc xe ngày nay trên thực tế là những chiếc máy vi tính có bánh xe và vôlăng.​
Các hãng xe hơi đều đã thay các dây cáp cơ khí trong xe bằng máy vi tính kiểm soát mọi thứ, từ phanh, ga cho đến hệ thống lái ôtô trợ lực thủy lực điện tử...​
Các hãng xe hơi khẳng định công nghệ điện tử giúp xe an toàn hơn với các thiết bị như túi khí, hệ thống phanh chống bó cứng. Công nghệ điện tử này cũng giúp xe tiết kiệm được nhiên liệu, thân thiện với môi trường và dễ sử dụng hơn.​
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết hệ thống điện tử của xe hơi có thể bị lỗi, ví dụ như phần mềm trục trặc, nhiễu điện từ... làm ảnh hưởng đến hoạt động của mạch điện, mạch chập...​
Các lỗi này cộng với những yếu tố môi trường như hơi nước trên đường, độ tuổi xe hơi, có thể dẫn đến việc xe bị trục trặc khi đang chạy trên đường.​
“Những vấn đề này thường xảy ra bất ngờ, và khi bạn đưa xe đi kiểm tra thì không thể phát hiện ra chúng - giáo sư vi tính và điện tử Raj Rajkumar thuộc ĐH Carnegie Mellon ở Pittsburg cho biết - Xu hướng thông thường là đổ lỗi cho tài xế”.​
Nổi tiếng là hãng sản xuất xe hơi hiện đại, công nghệ cao, từ năm 2002 Toyota đã thay thế chân ga cơ khí bằng chân ga điện tử cho các loại xe, bắt đầu từ dòng Camry. Và từ năm 2007, mọi dòng xe của Toyota đều được trang bị chân ga điện tử.​
Hãng nghiên cứu an toàn xe hơi Mỹ Quality Control Systems sau khi nghiên cứu các khiếu nại xe tăng tốc đột ngột ở Mỹ đã phát hiện thấy số lượng khiếu nại gửi đến Cơ quan An toàn giao thông đường bộ quốc gia Mỹ (NHTSA) đã tăng gấp ba kể từ khi Toyota bắt đầu trang bị chân ga điện tử.​
Theo NHTSA, kể từ năm 2000 đến nay, ở Mỹ đã có 34 người thiệt mạng do xe Toyota đột ngột tăng tốc.​
Tuy nhiên, vấn đề này chỉ trở nên ồn ào sau vụ một cảnh sát giao thông California khi đi nghỉ cùng ba thành viên gia đình đã đâm chiếc Lexus họ đang lái vào xe khách ngày 28-8-2009.​
Hơn một tháng sau, Toyota tuyên bố thu hồi 3,8 triệu xe Lexus và Toyota do lỗi thảm xe mắc vào chân ga! Đến tháng 1-2010, Toyota thu hồi tiếp 2,3 triệu xe do lỗi chân ga bị tắc! Đến nay, hơn 8 triệu chiếc Toyota và Lexus đã bị thu hồi do lỗi... thảm xe và chân ga bị tắc.​
Toyota liên tục phủ nhận khả năng hệ thống điện tử của xe đã gây ra hiện tượng xe đột ngột tăng tốc.​
Thế nhưng, như phân tích của một ủy ban Quốc hội Mỹ, câu hỏi đặt ra là tại sao khoảng 70% các khiếu nại xe Toyota tăng tốc đột ngột ở Mỹ chỉ liên quan đến các xe không có trong loạt xe bị thu hồi do lỗi thảm xe và chân ga bị tắc?​
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ Mỹ đã vặn hỏi ông Jim Lentz, chủ tịch Toyota Mỹ, liệu ông có thể khẳng định chắc chắn rằng việc thu hồi và sửa chữa xe có thể loại bỏ hoàn toàn lỗi tăng tốc đột ngột không? Ông Lentz trả lời: “Không hoàn toàn”.​

Một thợ cơ khí sửa chân ga xe thể thao đa dụng RAV4 trong một trung tâm
dịch vụ của Toyota ở Thiên Tân, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Nhiễu điện từ là nguyên nhân?
Do sự lập lờ của Toyota, nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích nguyên nhân khiến xe Toyota đột ngột tăng tốc.​
Các kỹ sư Mỹ và châu Âu nghi ngờ hiện tượng nhiễu điện từ (EMI) - xuất phát từ điện thoại di động, đường dây điện, radio, ăngten - có thể là nguyên nhân, nhưng Toyota lại bác bỏ giả thuyết này.​
Hầu hết các hãng xe hơi đều có các phòng thí nghiệm lớn để kiểm tra nguy cơ lỗi điện từ. Toyota có tám phòng thí nghiệm như vậy, ở đó các kỹ sư của hãng thường “bắn” năng lượng điện từ vào xe hơi và các thiết bị trên xe để kiểm tra phản ứng.​
Tháng 12-2009, Toyota công bố kết quả nghiên cứu của hãng tư vấn khoa học Mỹ Exponent, theo đó Exponent khẳng định nhiễu điện từ không thể tạo ra hiện tượng xe Lexus và Toyota được trang bị hệ thống chân ga điện tử tăng tốc đột ngột.​
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nghi ngờ tính trung thực và khách quan của nghiên cứu này. Chuyên gia an toàn phần mềm Anh Brian Kirk khẳng định dây đánh lửa được thiết kế không tốt hoàn toàn có thể tạo ra sóng điện từ, và do vậy ảnh hưởng đến hệ thống chân ga điện tử hoặc hệ thống kiểm soát động cơ của xe hơi.​
Mới đây, trước Ủy ban thương mại và năng lượng hạ viện, chủ tịch Hãng Chiến lược và nghiên cứu an toàn (SRS) của Mỹ là Sean Kane đã khẳng định kết quả nghiên cứu của SRS cho thấy lỗi điện tử có xuất hiện ở xe Toyota.​
“Các lỗi điện tử bất thường rất khó bị phát hiện, nhưng chúng có xảy ra - ông Kane nhấn mạnh - Các tiếp xúc điện, nhiễu điện từ và việc lập trình hệ thống kiểm soát và cảm biến điện tử đều có thể là nguyên nhân dẫn đến những lỗi trong hệ thống điện tử”.​
Bộ trưởng Giao thông Mỹ Ray LaHood cũng cho biết chính quyền Washington đang xem xét khả năng nhiễu điện từ là nguyên nhân gây ra hiện tượng tăng tốc đột ngột của xe Toyota.​
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên