Trả lại không gian sạch đẹp cho nội thất xe

P
Bình luận: 0Lượt xem: 846

pink-panther

Tài xế O-H


Sau nhiều lần đỗ xe dưới nắng gắt, nội thất xe của bạn trở nên bạc phếch với các chi tiết nhựa bị rạn nứt còn da hay nỉ bọc ghế thì sờn hoặc bong tróc hết bề mặt. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã không dành sự quan tâm thích đáng. Bạn có thể quyết định mua chiếc xe vì ngoại thất đẹp, nhưng nội thất chính là phần có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và sức khỏe cũng như sự an toàn của bạn trong suốt quá trình sử dụng xe.
Những tác động khó lường
Nội thất xe của bạn bị rất nhiều tác động xấu trong quá trình sử dụng như bụi bẩn, các loại tạp chất vương vãi (nước trà, cà phê, nước coca, bánh kẹo…) và nhiều loại rác khác. Nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ và chúng thường xuyên được đồng hành trong xế hộp của bạn hoặc thậm chí cùng cả vật nuôi nữa thì câu chuyện còn tệ hơn.

Ghế da bị bám bẩn, có chỗ còn bị bong mặt
Thế nhưng tất cả những tác động xấu kể trên vẫn chẳng thấm tháp gì. Kẻ thù lớn nhất đối với nội thất xe (đặc biệt là ở những nước nhiệt đới như Việt Nam) lại chính là thời tiết. Theo nhận định của một số chuyên gia chăm sóc nội thất ô tô tại Hà Nội, khí hậu nóng ẩm và việc xe thường xuyên đỗ dưới trời nắng là những yếu tố làm nội thất bị tàn phá nhanh nhất.
Nội thất bị xuống cấp, cộng với bụi bẩn tồn đọng lâu ngày, sẽ bốc mùi khó chịu. Điều đó có thể làm cho bạn cảm giác thấy chán chiếc xe của mình, và đương nhiên làm cho nó bị mất giá nếu bạn muốn bán lại. Nhưng vấn đề vô cùng quan trọng mà đôi khi không thể nhận ra ngay là sức khỏe và sự an toàn của những người ngồi trong xe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không khí trong xe ô nhiễm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bực bội, căng thẳng và khó chịu.
Vệ sinh đúng cách
Làm sạch nội thất xe không phải là công việc phức tạp. Tuy nhiên, bạn cũng phải tiến hành theo các bước một cách khoa học kết hợp sử dụng một số loại dụng cụ và hóa chất chuyên dùng để có thể trả lại không gian mát mẻ dễ chịu, đồng thời có thể làm cho nội thất xe của bạn trông như mới.

Phần được xử lý bằng hóa chất chuyên dùng được trả lại màu sắc như mới
Bạn phải bỏ ra ít nhất là nửa ngày làm việc để có thể hoàn thành việc vệ sinh nội thất một chiếc xe. Tuy nhiên, khi đã quyết định tự mình làm công việc này, bạn phải đảm bảo có đủ những dụng cụ và hóa chất cần thiết (máy hút bụi, hóa chất tẩy vết bẩn, hóa chất bảo vệ, bàn chải mềm với đầu lông bàn chải hình tròn), nếu không kết quả sẽ không cải thiện là mấy. Trong một số trường hợp đặc biệt như với các vết bẩn khó xử, bạn còn phải tìm hiểu kỹ, nếu không còn làm cho vết bẩn loang to thêm.
Vệ sinh bước 1: Hãy bắt đầu bằng việc tháo dỡ thảm trải sàn và dọn sạch rác. Dùng máy hút bụi để làm sạch các bụi bẩn bám trên các bề mặt chi tiết, rãnh, khe và trong các ngóc ngách sâu. Thảm trải sàn chính là phần đọng nhiều bụi bẩn nhất. Nếu kết hợp với một loại hóa chất dạng bọt chuyên dùng thì hiệu quả sẽ cải thiện hơn nhiều. Hóa chất dạng bọt này không chỉ làm tung bụi bẩn như cách thông thường mà còn làm sạch các mùi ô nhiễm trong xe.

Hút bụi
Sau đó, lau bảng táp-lô, các tấm pa-nô cửa hay ghế ngồi bằng một cái khăn mềm và ẩm. Công đoạn này sẽ làm sạch những vết bẩn thông thường như bụi đất, cát… Tuyệt đối không dùng xà phòng để vệ sinh khoang xe, vì có thể làm các chi tiết bị bạc màu, thậm chí làm hỏng nếu xà phòng không được xả sạch bằng nước, hoặc để lại mùi khó chịu rất lâu.
Vệ sinh bước 2: Đây chính là khâu làm sạch tỉ mỉ và chi tiết, với việc xử lý các vết bẩn cứng đầu như café, nước cacao, và các loại chất bẩn khác mà cách vệ sinh thông thường không thể làm sạch được. Để hỗ trợ cho việc này, bạn cần dùng các hóa chất dạng xịt chuyên dụng để vệ sinh nội thất xe như Sonax Car Interior Cleaner. Phun đều hóa chất này lên từng phần của ghế, pa-nô cửa, táp lô… rồi dùng một miếng mút mềm cọ nhẹ. Tiếp tục dùng bàn nhỏ chải mềm để lách và làm sạch các khe bên trong, giữa các đường chỉ may của nội thất da. Các chi tiết bằng nhựa, gỗ hay giả gỗ cũng được vệ sinh với các bước tương tự như vậy. Các ô cửa kính thì được lau sạch bằng nước rửa kính thông thường.
Riêng với nỉ bọc ghế, các công đoạn vệ sinh lại khác với ghế da. Với chất liệu này, bạn chỉ cần hút bụi rồi dùng hóa chất dạng bọt dùng vệ sinh thảm trải sàn như đề cập ở trên. Một số chất liệu nỉ có thể bị phai màu khi dùng hóa chất tẩy bụi bẩn, vì vậy bạn nên thử vào một chỗ kín trước khi dùng cho toàn bộ khoang xe.
Một điều cần lưu ý là khi đã tiến hành vệ sinh nội thất thì nên làm đồng thời toàn bộ, tránh làm nhiều đợt vì có thể sẽ làm cho các ghế bị ngả màu khác nhau. Một số vết nhơ đặc biệt trên da hay nỉ (như máu, cafe) cũng cần có những chế độ vệ sinh đặc biệt. Hầu hết các vết bẩn nói chung thường được vệ sinh bằng nước ấm hoặc hóa chất, nhưng nhiều vết bẩn lại yêu cầu dùng nước lạnh bởi nước nóng có thể làm cho vết loang rộng hơn và thấm vào nỉ hay da gây đổi màu. Để có thể làm sạch các vết bẩn này, dùng một chiếc khăn ẩm lau miết từ ngoài vào trung tâm của vết bẩn (để tránh làm loang rộng hơn). Rửa chiếc khăn liên tục và lặp đi lặp lại cho đến khi vết bẩn biến mất. Các vết bẩn kiểu này nếu được phát hiện và làm sạch ngay sẽ dễ dàng hơn.
Khâu làm sạch phải được tiến hành cẩn thận mới chuyển sang bước tiếp theo. Đây là công đoạn rất quan trọng mà nhiều nơi thường coi nhẹ và nhiều chủ xe còn cho rằng chỉ cần bảo dưỡng các chi tiết trong nội thất là được. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Khi nội thất xe đang trong tình trạng bẩn mà bạn dùng những hóa chất có tính bảo dưỡng thì chính những chất bẩn sẽ kết hợp với những hóa chất bảo dưỡng tạo nên một chất keo bẩn làm cho vết nhơ đó trở nên cứng đầu và rõ nét hơn. Vậy nên đã có rất nhiều chủ xe phàn nàn rằng, tại sao khi dùng các hóa chất dưỡng da mà những chiếc ghế xe của họ lại trở nên bẩn hơn. Đó là vì họ đã xem nhẹ việc làm sạch trước khi bảo dưỡng.

Các vết bẩn cứng đầu cũng bị đánh bật
Vệ sinh bước 3: Sau khi đã làm vệ sinh sạch sẽ cả các bộ phận trong khoang xe, bước tiếp theo khá quan trọng là dùng một loại hóa chất chuyên dùng có tác dụng bảo vệ bề mặt các chi tiết. Với mỗi loại chất liệu cần có những hóa chất bảo vệ khác nhau (bạn nên tham khảo tại các trung tâm dịch vụ car accessories). Cách tốt nhất khi sử dụng các loại hóa chất này là phun nhẹ một lớp mỏng lên bề mặt các chi tiết sau khi đã được làm sạch và lau khô, để hóa chất thấm đều trong vài phút rồi dùng khăn mềm lau nhẹ toàn bộ. Hóa chất này khi khô đi sẽ để lại một lớp màng bóng bảo vệ, chống lại các tác nhân phá hoại (ẩm mốc, tia cực tím...), đồng thời làm cho da mềm hơn. Chú ý là không phun hóa chất bảo vệ lên vô-lăng vì có thể làm trơn, ảnh hưởng đến việc điều khiển xe.

Hệ thống điều khiển trước (trái) và sau khi được làm sạch (phải)
Sau khi đã vệ sinh xong nội thất, bạn cũng đừng quên vuốt lại tất cả các gạt nước bằng hóa chất bôi trơn chuyên dụng. Việc này không chỉ làm tăng tuổi thọ, chống rạn nứt, tăng độ đàn hồi của gạt nước mà còn ngăn chặn tình trạng kêu rít mỗi khi gạt nước hoạt động.
Và bảo vệ nội thất đúng cách
Một số thử nghiệm cho thấy nhiệt độ trong khoang xe đỗ dưới trời nắng gắt bao giờ cũng cao hơn ở ngoài rất nhiều. Chẳng hạn nếu để xe ngoài trời nóng 35 độ trong thời gian 20 phút thì nhiệt độ trong xe sẽ vượt trên 50 độ, còn nếu để trong thời gian 40 phút thì nhiệt độ trong xe sẽ vượt trên 65 độ. Trong cái nóng thiêu đốt đó, các chất liệu trong nội thất xe bị bạc màu và thoái hóa rất nhanh. Để bảo vệ nội thất xe của bạn, cách tốt nhất là luôn đỗ xe ở nơi có mái che tốt, trong bóng mát hoặc sử dụng các thiết bị che chắn kính kết hợp với dán kính bằng phim cách nhiệt.

Không gian nội thất trở nên sạch đẹp như mới
Trong khi ngoại thất của chiếc xe là thứ gây ấn tượng ban đầu thì không gian nội thất là nơi bạn tận hưởng trong suốt quá trình sử dụng xe. Vệ sinh và bảo dưỡng nội thất xe cũng chính là việc đảm bảo một môi trường trong lành cho bạn trong các cuộc hành trình.
timxe (Theo autonet)
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên