Xe cổ bất tử phần 3 - Auburn Automobile

M
MTV
Bình luận: 0Lượt xem: 911

MTV

Tài xế O-H
Auburn Automobile chỉ tồn tại trong 36 năm ngắn ngủi. Tuy nhiên, kể cả khi lụi bại, thương hiệu này vẫn nổi tiếng với vị thế là một trong những hãng sản xuất ôtô cách tân nhất, chế tạo tinh tế, ngoại hình hấp dẫn, cùng giá bán phù hợp tại Mỹ.


Auburn Twelve Salon Phaeton 1934
Auburn Automobile được anh em nhà Eckhart - Frank và Morris - lập ra năm 1900 trong thành phần Công ty chế tạo xe ngựa Eckhart, ở Auburn, bang Indiana. Đây là Công ty mà cha của họ là ông Charles Eckhart thành lập năm 1875. Niềm đam mê thực sự của Frank và Morris là những chiếc “xe không ngựa kéo” mới do các hãng chế tạo xe ngựa khác sản xuất. Đây chính là sự khởi đầu của câu chuyện vĩ đại về Auburn Automobile.
Những chiếc xe đầu tiên
Tác phẩm đầu tay của anh em nhà Eckhart là chiếc xe nhỏ lắp động cơ 1 xylanh, dẫn động bằng xích có giá 800USD. Sản phẩm này bán không chạy vì nó đắt hơn xe của các nhà sản xuất khác. Được giới thiệu lại vào năm 1903, chiếc touring car hai chỗ ngồi này đã có những cải tiến cần thiết, sử dụng động cơ xăng 1 xylanh công suất 10 mã lực, hộp số với cơ cấu bánh răng hành tinh hai cấp, cùng các đèn hai bên sườn với giá bán 1.400 USD.

Auburn Twelve Salon Phaeton 1934
Năm 1905, Auburn giới thiệu mẫu xe lắp động cơ 2 xylanh và chiếc xe thực sự đầu tiên của hãng ra đời năm 1912, gắn động cơ 4 xylanh Rutenber, công suất từ 25-30 mã lực. Cũng trong năm 1912, Auburn giới thiệu thêm một dòng xe mới, lắp động cơ Rutenber 6 xylanh công suất từ 6-50 mã lực và bổ sung thêm nhiều trang thiết bị hiện đại như hệ thống chiếu sáng bằng điện. Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ của Auburn vẫn chưa thể đạt tới ngưỡng cần thiết để có thể tồn tại.
Auburn trở nên nổi tiếng về tốc độ và sự bền bỉ trong cuộc đua đường trường năm 1910 dành cho ôtô công suất 40 mã lực. Nhà quản lý phân xưởng Melvin Leasure đã giành chiến thắng trong cuộc đua ở Fairgrounds, bang Oklahoma trên chiếc xe này với vận tốc trung bình 67,5km/h. Cũng chính vận tốc và sự bền bỉ là “phép màu” tạo dựng sự nổi tiếng cho Auburn trong những năm tiếp theo.


Do bị quản lý về tài sản, năm 1919, anh em nhà Eckhart bán Auburn cho một nhóm các nhà đầu tư ở Chicago đứng đầu là Ralph Austin Bard - người sau này giữ chức Thứ trưởng Hải quân. Các chủ sở hữu mới vẫn để Morris Eckhart làm Chủ tịch công ty.
Nhờ có nguồn tài chính, năm 1919, Auburn cho ra đời chiếc “Beauty Six” lắp động cơ Continental 6 xylanh 26 mã lực. Mẫu xe mới giúp Auburn đạt kỷ lục về doanh số - 6.062 chiếc – trong năm đó. Tuy nhiên, giai đoạn khủng hoảng sâu rộng trong thời kì hậu Chiến tranh Thế giới thứ I đã khiến doanh số của hãng sụt giảm. Với sản lượng hàng năm dưới 4.000 xe, Auburn lại lâm vào khó khăn năm 1924.
Lịch sử sang trang với Erret Lobban Cord
Cuộc khủng hoảng giai đoạn 1921-1922 đã tác động tiêu cực tới Auburn. Năm 1924, Auburn mỗi ngày chỉ sản xuất có 6 xe, trong khi, hàng trăm xe mới chưa tiêu thụ được vẫn phải “đắp chiếu” trong nhà máy. Auburn quyết định thuê Erret Lobban Cord để cứu công ty.
Cord năm đó mới 30 tuổi nhưng đã nổi tiếng là thương gia bán hàng xuất chúng và quyết đoán. Ông khởi nghiệp năm 24 tuổi tại Moon Automobile Co ở Chicago, và chỉ chưa đầy 5 năm đã trở thành Tổng giám đốc công ty này. Auburn đề nghị Cord đứng ra điều hành doanh nghiệp.

Auburn 851 Phaeton 1935
Đổi lại, Cord đề xuất chỉ nhận lương tượng trưng, được chia 20% lợi nhuận cùng toàn quyền quyết định và một đảm bảo có thể mua lại công ty khi nó làm ăn có lãi. Nhóm các nhà đầu tư Chicago đã phải miễn cưỡng chấp nhận đề xuất này của Cord.
Ngay lập tức, Cord bắt tay vào cải tổ. Ông quyết định bán hạ giá 600-700 xe còn tồn kho. Những chiếc xe này không hấp dẫn, vì thế ông sơn chúng với hai tông màu sáng, bổ sung thêm các chi tiết trang trí mạ niken rồi đưa ra trưng bày tại quảng trường thành phố. Sau đó, Cord mời các đại lý tới xem xe và đề xuất các tỷ lệ hoa hồng lớn. Nhờ thế, trong vài tháng, Cord đã bán được toàn bộ số xe tồn đọng.
Dưới sự điều hành của Cord, Auburn tung ra thị trường những mẫu xe mạnh mẽ và thú vị, đúng theo phong cách và sở thích của ông. Đến giữa năm 1926, Auburn đã làm ăn có lãi, còn Cord, ở tuổi 32, đã mua lại doanh nghiệp. Cord còn thu nạp những nhà thiết kế trẻ, tài năng như Alen Leamy và Gordon Buehrig.

Auburn 851 Phaeton 1935
Cũng trong năm đó, Cord hợp tác với anh em nhà Duesenberg vốn nổi tiếng về chế tạo xe đua. Duesenberg đóng vai trò nền tảng để Cord cho ra đời các dòng xe sang trọng mới, chú trọng tới tốc độ. Nhà chế tạo này cũng cho ra đời L-29 Cord – chiếc xe dẫn động bánh trước đầu tiên của ngành công nghiệp ôtô Mỹ.
Trong thời gian Cord điều hành, hình ảnh của Auburn đã được cải thiện. Hãng tăng mạnh xuất khẩu, mở rộng đại lý. Năm 1925, hãng bổ sung thêm dòng xe lắp động cơ 8 xylanh. Năm 1926, “đế chế” xe hơi của Cord gồm Auburn, Duesenberg và hãng sản xuất động cơ Lycoming Motors.
Với những chiếc xe tuyệt đẹp, tốc độ, bền bỉ, nhưng giá hấp dẫn, sản lượng xe năm 1929 của Auburn đã vượt ngưỡng 20.000 chiếc. Quyết định tập trung vào dòng xe lắp động cơ 8 xylanh “Eight”, và cuối cùng là dòng xe 12 xylanh “Twelve”, Cord đã từ bỏ các dòng xe lắp động cơ 6 xylanh “Six” sau năm 1930. Trong giai đoạn này, đáng chú ý nhất là chiếc Speedster danh tiếng “đuôi thuyền” đặc trưng, lắp động cơ 8 xylanh thẳng hàng được giới thiệu năm 1928.


Auburn nằm trong số ít các hãng ôtô Mỹ có doanh số tăng trưởng sau sự Sụp đổ tại Phố Uôn năm 1929. Tới năm 1931, chiếc Auburn Eight do Alan Leamy thiết kế đã giúp hãng đạt kỷ lục về doanh số, hơn 32.000 chiếc.
Năm 1932, Auburn tiếp tục được đánh giá là xe của cách tân với sự xuất hiện của chiếc coupe lắp động cơ V-12 Lycoming, trục số hai tốc độ Dual-Ratio, giá chỉ 1.425 USD. Đế chế gồm ba mác xe Auburn, Cord và Duesenberg (ACD) khi đó nổi tiếng về chế tạo công phu, kiểu dáng ấn tượng cũng như sức mạnh. Xe của ACD hiện diện trên toàn thế giới cùng với những người giàu có và nổi tiếng và được xem như là biểu tượng về sự thành đạt.
Đại khủng hoảng dẫn tới thoái trào
Bất chấp tất cả những yếu tố trên, xe của Cord vẫn quá đắt khiến ACD không thể vượt qua cuộc Đại khủng hoảng. Suy thoái kinh tế sâu rộng, cùng thực tế Cord bắt đầu không quan tâm tới chế tạo ôtô, làm doanh số của ACD giảm sút từ năm 1932. Vào thời điểm đó, Cord là một trong những người giàu nhất thế giới. ACD giúp Cord nổi tiếng, song, ông còn sở hữu một đế chế vận tải gồm các hãng hàng không, tàu biển, các công ty đóng tàu, chế tạo máy bay, luyện kim và viễn thông.
Cord sau đó kiếm nhiều tiền hơn nhờ kinh doanh bất động sản, khai mỏ và hóa dầu nên để mặc ACD làm ăn thua lỗ. Auburn ngừng sản xuất xe năm 1936, những chiếc xe gắn mác Cord cũng chỉ tiếp tục được lắp ráp tới năm 1937. Ngày 7/8/1937, Auburn Automobile chính thức đóng cửa, khép lại một kỷ nguyên “Vĩ đại”.
Những chiếc xe cổ đắt giá của Auburn
Tháng 1/2005, chiếc 1933 Auburn 12-165 Salon Twelve Speedster, số khung 121651443E (là một trong sáu chiếc xe loại này còn tồn tại tới ngày nay) đã được bán đấu giá tại Arizona Biltmore với giá 506.000 USD. Theo giới sử học, chỉ có tổng cộng 14 chiếc Auburn 12-165 Salon được xuất xưởng năm 1933.

Auburn 851SC Boattail Speedster 1935
Đến tháng 1/2008 tại Arizona, chiếc 1936 Auburn 852 Boattail Speedster, số khung 34635E, đã được bán với gia 396.000 USD. Cũng trong cuộc đấu giá này, chiếc 1931 Auburn 8-98 Speedster, số khung GU36876, được bán với giá 313.500 USD.
Tháng 8/2008, tại cuộc đấu giá xe cổ và xe thể thao diễn ra ở Monterey, California, chiếc 1936 Auburn 852SC Boattail Speedster, số khung 85235209E đã được bán với giá 533.500 USD.

Tháng 1/2009, tại cuộc đấu giá vẫn được tổ chức tại Arizona, chiếc 1934 Auburn Twelve Salon Phaeton Sedan, số khung 1066H, đã được bán với giá 319.000 USD. Salon Twelve là một trong những chiếc xe cuối cùng và tốt nhất của Auburn. Khi xuất xưởng, nó có giá 1.545 USD, rẻ hơn 30% so với chiếc Packard Super Eight cùng loại.
Cũng trong năm 2009, tại Amelia Island, chiếc 1935 Auburn 851SC Boattail Speedster, số khung 32304E, lắp động cơ 8 xylanh công suất 150 mã lực, tăng áp Schwitzer-Cummins đã được bán với giá 566.500 USD. Năm 1935, tổng cộng chỉ có 97 chiếc Speedster được xuất xưởng.

Auburn 851SC Boattail Speedster 1935

  • Lan Khanh
Ảnh: RM Auctions cung cấp










 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên