3 nguyên tắc khi lái xe số tự động

H
Bình luận: 0Lượt xem: 2,057

haui

Tài xế O-H
Rất nhiều người khi mới chuyển sang lái xe số tự động thường vẫn giữ thói quen điều khiển xe số sàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia lái xe an toàn (LXAT), điều này dễ dẫn đến hỏng hóc, giảm tuổi thọ của xe...
Không nên sử dụng số D khi tăng tốc đột ngột
Hầu hết những người mới lái xe số tự động thường chỉ sử dụng số D (số tiến) trong mọi tình huống, thậm chí cả khi tăng tốc đột ngột vẫn duy trì số D và đạp mạnh chân ga... Tuy nhiên, theo các chuyên gia LXAT của Ford Việt Nam, khi lái xe số tự động, nhấn chân ga là tăng số và nhả chân ga là hạ số. Vì thế, khi muốn tăng tốc, bạn chỉ cần nhấn nhẹ chân ga để xe đạt vận tốc khoảng 40km/h, sau đó nhả nhẹ chân ga nhằm giảm vòng tua động cơ rồi tiếp tục nhấn chân ga từ từ để chuyển số. Khi xe đạt vận tốc 70 - 80km/h lại thực hiện quá trình ấn nhả chân ga như trên.

Trong những tình huống tăng tốc đột ngột, hoặc vượt xe trên đường cao tốc bạn cũng không nên sử dụng số D. Thông thường, các hộp số tự động trang bị trên các xe đời mới đều có thêm chế độ chuyển số bằng tay (chế độ lái sport), các ký hiệu số 1, 2, 3, 4 thường được ghi ngay trên cần số, thao tác tăng hoặc giảm số thường là lắc ngang cần số (dấu + tăng số, - giảm số). Vì thế, lúc này bạn nên chuyển về số thấp rồi tăng ga như cách lái xe số sàn (đèn báo số thường hiển thị trên bảng đồng hồ công tơ mét).

Không về “mo” (số N) cho xe chạy theo quán tính
Nhiều lái xe thường lầm tưởng rằng khi về số N và buông chân ga để cho xe chạy theo quán tính sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, cách lái này có thể làm hỏng hộp số, vì khi đó vòng quay trục thứ cấp của hộp số tự động vẫn duy trì ở mức cao, trong lúc xe chạy ở số N thì bơm dầu của hộp số tự động sẽ cung cấp không đủ cho động cơ hoạt động, dẫn tới trạng thái bôi trơn kém... làm giảm tuổi thọ của hộp số.

Các ký hiệu trên hộp số tự động
- P (Park): dừng đỗ; R (Reverse): số lùi; N (Neutral) số “mo”; D (Drive): số tiến; M (Manual) ( + - ) vị trí phía bên phải số D: vận hành như xe số sàn (cho phép xe chuyển sang số 1, 2, 3, 4 để tạo đà tăng tốc vượt xe khác hoặc khi xuống dốc, đổ đèo); OD (Overdrive): số vượt tốc dùng như số D; L (Low): số thấp (dùng cho các trường hợp tải nặng, lên dốc, xuống dốc); S (Sport): số thể thao.
Còn theo các chuyên gia kỹ thuật của Auto Club (số 6 Láng Hạ, Hà Nội), khi để xe trôi tự do ở vị trí số N, tuy lực truyền đã bị tách rời, nhưng với các đĩa bị động khác trong hộp số vẫn vận hành ở tốc độ cao do lực kéo của bánh xe, trong khi vòng quay các đĩa chủ động của động cơ truyền động lại rất thấp, dẫn đến hiện tượng dễ bị cộng hưởng và trơn trượt, có thể dẫn đến vỡ hộp số, gẫy bánh răng...

Trong các khu đô thị, bạn không nên để xe trôi tự do ở vị trí số N, kể cả khi chuẩn bị đến điểm dừng đèn đỏ, bất ngờ có một xe máy tạt đầu, hoặc người đi bộ sang đường..., bạn rất dễ cuống và nhầm lẫn là xe đang ở vị trí D hoặc chuyển nhầm số lùi, gây nên hiện tượng rồ ga, phanh gấp, khiến các xe phía sau sẽ đâm vào đuôi xe bạn...
Không để số D khi dừng đỗ lâu
Khi lái xe số tự động, bạn cũng không nên để số D khi xe dừng đỗ đèn đỏ lâu (trên 1 phút) hoặc khi giao thông ùn tắc kéo dài. Bởi, nếu vẫn để số D tức là bạn vẫn phải đạp phanh chân vì ở vị trí số D xe vẫn có xu hướng di chuyển về phía trước mặc dù rất nhỏ, khiến người ngồi trong khó cảm nhận được, trong khi đó, đạp phanh trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng “phanh cưỡng bức” làm cho nhiệt độ dầu trong hộp số tăng cao, dầu bôi trơn dễ bị biến chất, nhất là khi hệ thống điều hoà trên xe vẫn bật, trạng thái hoạt động không tải luôn duy trì ở mức cao dẫn đến tiêu tốn nhiên liệu.

Không những thế, khi xe dừng lâu mà bạn vẫn đạp phanh sẽ khiến chân bị mỏi, cảm giác chân phanh kém đi... Khi đó, chân đạp phanh rất dễ trượt khỏi bàn đạp và xe của bạn sẽ tông vào những xe đang dừng đỗ phía trước.
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên