Bảo dưỡng xe tay ga đúng cách

H
Bình luận: 0Lượt xem: 13,366

honda

Tài xế O-H
Xe tay ga ngày càng phổ biến bởi nhiều ưu điểm như: thời trang, tiện dụng… Tuy nhiên, để chiếc xe tay ga được bền đẹp đòi hỏi cách sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phải kỹ càng, cẩn trọng hơn so với xe số.

Dán nilon để chống xước và bảo vệ sơn

Đây là việc đầu tiên bạn nên làm sau khi mua xe tay ga. Bởi trong điều kiện giao thông đông đúc ở các thành phố, khi lưu thông, hay những khi gửi xe sẽ không thể tránh khỏi những va quệt làm xước sơn xe. Một vết xước nhỏ trên phần sơn sẽ làm giảm vẻ đẹp của chiếc xe và mất giá hơn khi bán lại. Ngoài ra, chi phí để sơn lại xe ga cũng khá cao, chẳng hạn giá sơn lại toàn bộ một chiếc xe Honda SH, PS luôn dao động từ 2,2 – 2,5 triệu đồng; Piaggio Liberty: 2,1 – 2,3 triệu đồng...

Anh Nguyễn Văn Triển - chủ cửa hàng dán nilon xe máy, 22 phố Cao Bá Quát, Hà Nội cho biết: “Khi dán nilon bảo vệ bên ngoài, phần thân xe sẽ được một lớp phủ chống xước mỗi khi có va chạm nhẹ, giúp sơn xe lâu xuống màu hơn. Tuy nhiên, với những xe có màu sơn trắng thì mỗi năm nên dán nilon lại một lần, bởi nilon thường bị tối màu trong quá trình sử dụng, làm lộ rất rõ khi dán lên màu trắng...”. Tại Hà Nội, giá dán nilon bảo vệ toàn bộ xe ga như sau: Honda SH, PS, Spacy: 300.000 đồng/xe; Honda Air Blade, Lead, Click, PCX, Yamaha Nouvo: 250.000 đồng/xe.

Thay dầu máy và dầu láp định kỳ

Khi mua xe mới, nhà sản xuất thường đã có dầu chạy thử và chỉ sử dụng cho 300 – 500km đầu tiên, và cứ sau khoảng 1.500km bạn nên thay dầu. Anh Nguyễn Lê Văn - Phụ trách kỹ thuật, Trung tâm bảo hành Piaggio Xuân Cầu, số 3 Lê Văn Hưu, Hà Nội cho biết: “Do động cơ của xe tay ga hoạt động khắc nghiệt hơn, bên ngoài lại bị che chắn kỹ bởi lốc máy, nên nhiệt độ của máy luôn cao hơn xe số, độ nhớt và sức chịu nhiệt trong dầu máy xe ga cũng luôn cao hơn. Vì thế, người sử dụng xe tay ga cần chọn những loại dầu nhớt có các thông số in trên bao bì như: SAE 10W/40 hoặc 15W/40, cấp chất lượng thấp nhất là: API SG, hoặc cao hơn là: API SJ hoặc SL. Ký hiệu API in trên bao bì là dầu theo tiêu chuẩn về phẩm cấp dầu nhớt của Mỹ, phẩm cấp dầu tăng từ: SE, SF, SG, SJ, dầu có phẩm cấp càng cao thì chất lượng (độ nhớt, độ lỏng) càng ổn định theo nhiệt độ...”.

Cũng theo anh Văn, những người sử dụng xe ga rất hay quên, hoặc không biết rằng xe ga còn có dầu “láp” giúp bôi trơn các bánh răng chuyển động, và cũng cần phải thay theo định kỳ. Dầu “láp” còn có tên gọi khác là dầu cầu, dầu hộp số, có tác dụng bôi trơn bộ bánh răng truyền động bánh sau của xe tay ga, và cần thay dầu “láp” sau khoảng 5.000 – 6.000km (3 lần thay dầu máy/1 lần thay dầu láp). Nếu thay quá muộn sẽ làm tổn hại các bánh răng và khiến máy kêu to, gằn, ì hơn bình thường... Loại dầu “láp” sử dụng cho xe tay ga trên thị trường hiện nay thường có dạng tuýp, có thông số tối thiểu là 80 – 90W (đậm đặc hơn dầu máy gấp 2 lần)...

Bỏ thói quen điều khiển xe số

Nhiều người mới chuyển từ xe số sang xe ga thường có thói quen vù ga, phanh, để nổ rồi thốc ga ngay... như xe số, và thường chỉ bóp phanh bên phải (phanh trước) khi gặp các tình huống bất ngờ. Trong khi đó, xe ga thường có đường kính bánh xe nhỏ, hành trình giảm xóc ngắn, nên nếu chỉ bóp riêng phanh trước khi chạy tốc độ cao rất dễ xảy ra hiện tượng bó cứng, trượt bánh, mất lái... Vì thế, bạn hãy luôn sử dụng đồng thời cả 2 phanh trước và sau để đảm bảo an toàn. Hiện một số loại xe ga đời mới được trang bị hệ thống phanh đồng thời (CBS), chỉ cần bóp phanh trái là có thể hỗ trợ phanh cả 2 bánh...

Thói quen thốc ga rồi phanh gấp với xe ga sẽ làm cho cụm côn ly hợp và dây cu roa truyền động nhanh bị hỏng hơn, cũng như làm cho xe bạn “ăn” xăng hơn rất nhiều so với đi đều ga. Do đó, cần luyện thói quen giữ tốc độ ổn định, đều tay ga khi vận hành.

Bảo dưỡng định kỳ

Theo khuyến cáo của các chuyên gia kỹ thuật Piaggio Việt Nam, từ 500 – 1.000km đầu tiên bạn nên kiểm tra và bảo dưỡng lần đầu các chi tiết như: bugi, bộ chế hòa khí và điều chỉnh tốc độ không tải, kiểm tra độ ồn động cơ, khe hở xu páp, hệ thống phanh, nước làm mát...; từ 3.000km: kiểm tra và làm sạch lọc gió, bảo dưỡng hệ thống truyền động (côn trước/sau, dây cu roa tải), kiểm tra hệ thống điện, ắc quy; sau 12.000km (hoặc 1 năm): thay nước làm mát, dầu phanh...
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Chủ đề bác đang quan tâm

Bên trên