Các pan thường gặp-cách xử lý cho vespa

B
Bình luận: 1Lượt xem: 6,659

binhminhbkhn

Tài xế O-H
Pan thứ 1: Đứt dây các loại

Dân chơi thứ dữ thường thủ sẵn trong cốp xe một vài dây ambraya (dây côn), dây số và dây ga. Khi đứt dây thì thợ máy muôn năm. Vấn đề quan trọng là làm thế nào đưa được nàng đến được chỗ các anh thợ máy.

* Đứt dây ambraya: trả về số 0, nổ máy, ngồi trên xe chòi chân đẩy lấy đà và vào số 2 hoặc thẳng luôn số 3 nếu được. Nếu không ổn thì dắt xe lên một cái dốc nào đấy hoặc lề đường cao. Sau đó thả xuống dốc và vào số. Chạy xe đứt ambraya cảm giác khá mạnh, xe lồng lên như ngựa chứng hoặc giật cục như gà nuốt dây thun.

* Đứt dây ga: nhờ các anh xe ôm đẩy.

* Đứt dây số: ngồi... mếu. Sau đấy gọi xích lô... Nếu ai có kinh nghiệm hơn thì bóp ambraya, đẩy lấy đà rồi thả tay ambraya cho nổ máy, sau đấy cứ số ấy mà chạy tàn tàn.

Pan thứ 2: Bugi mất lửa (không có điện vào)

Bugi Vespa rất dễ quay cu lơ mà không có lý do chính đáng. Rất hay gặp tình trạng hôm trước thay bugi, hôm sau bugi đã tèo luôn. Tốt nhất nên thủ một cái bugi dự phòng là yên tâm trên xa lộ. Nếu bugi mất lửa không vì lý do này thì... thua. Cũng nên lưu ý nếu canh xăng dư quá cũng rất dễ gây chết bugi.

Pan thứ 3: Xẹp bánh xe (xịt lốp)

Bước a: dắt bộ hoặc đưa nàng lên xích lô đến chỗ có thợ.
Bước b: test xem anh thợ sửa Vespa hay sửa Honda.
Bước c: nếu thợ Vespa thì ok. Nếu không phải thợ Vespa thì qua bước d.
Bước d: hướng dẫn anh thợ tháo mấy con ốc xung quanh mâm bánh xe, gỡ bánh xe ra và gắn bánh dự phòng vào. Phải chú ý không hắn ta tháo trục bánh xe ra giống như vá Honda thì đổ nợ.

Cái này là hướng dẫn cho dân mới chơi Vespa, dân chơi có nghề thì lấy đồ ra tự giải quyết.

Pan thứ 4: Hết xăng

Xuống xe, nghiêng xe về bên máy (là bên phải xe nếu nhìn từ đằng sau) để tận dụng tí xăng còn sót trong bình, sau đó nổ máy và cố lết đến chỗ có bán xăng. Tuy nhiên chỉ chạy được vài trăm mét là lại tịt ngóm nên đôi khi phải nghiêng đến... 5-7 bận.

Pan thứ 5: xẹp bánh (xịt lốp)

Vespa có ưu thế hơn hẳn các dòng xe khác ở chỗ có 01 bánh xe dự phòng (dự phòng 2+1 hơn cả xe hơi nhá). Vì vậy nên kiểm tra thường xuyên bánh xe dự phòng luôn ở tình trạng sẵn sàng (tôi chơi một cái vỏ loại 6 ply(lớp bố), hơi cứng nếu để dùng nhưng làm dự phòng tạm được vì nếu nó có hơi non hơi một chút vẫn có thể chạy tạm được).

Dụng cụ để thay bánh rất đơn giản: một ống tuýp 13mm(trong túi đồ của PX nó là đầu nhỏ của cái tuýp vặn bugi) và 01 tay vặn(dài khoảng 15-20 cm).

Nếu thay bánh trước : rất đơn giản vì Vespa máy đặt sau nên khi dựng chân chống thì bánh trước đã được nâng khỏi mặt đất. Dùng tuýp 13 tháo 05 ecu M8 gắn bánh xe vào moay-ơ (lưu ý tránh tháo nhầm 05 ecu giữ la-răng), tháo bánh dự phòng ra và gắn vào moay-ơ, lắp bánh bị xẹp vào chỗ dự phòng và ta lại vi vu. Nếu dụng cụ đầy đủ thì các việc trên có thể thực hiện trong khoảng 5-10 phút.

Nếu thay bánh sau: Tháo bánh dự phòng ra khỏi xe trước, tuỳ theo địa hình xung quanh ta sẽ có hai cách sau:1. Nếu kiếm được vài viên gạch: dùng hai viên kê hai bên chân chống cao thêm khoảng 5-10 cm, dùng một viên gạch để đứng kê vào gầm máy (chỗ dưới hộp số) sao cho bánh sau được nâng cao cách mặt đất khoảng 5cm sau đó thao tác như đối với bánh trước. Lưu ý kê chắc chắn, nhất là chỗ gầm máy (tôi đã có lần thử dùng kích của xe hơi thấy khá hay).

Nếu không có gì để kê kích: khoá xăng lại và cho nổ máy tới khi hết xăng trong chế (bình xăng con) khi gần hết xăng ga sẽ tự nhiên tăng lên, khi đó nên kéo le và nháy ga cho tới khi tắt hẳn. Tháo hết hai cốp và bánh xe dự phòng ra khỏi xe và lật em sang bên máy cho nằm nghiêng xuổng đất (đúng ra thì phải kê hai điểm: bầu hộp số và tay nắm bên phải nhưng đang nói trường hợp là không kiếm được gì để kê mà). Sau đó thao tác thay bánh xe như trên và cho em đứng dậy, lắp lại cốp , mở khoá xăng và đề pa. Việc khoá xăng và cho máy nổ hết xăng là để tránh bị ngộp xăng khi ta bắt em phải nằm nghiêng về bên máy

Một số lưu ý nhỏ:

• Tránh tháo nhầm 05 ecu giữ la-răng(nếu bạn tháo nhầm sau đó lại tháo tiếp 05 ecu còn lại sẽ có thể nguy hiểm nếu áp suất trong ruột vẫn còn) vì la-răng của Vespa là loại divided (hai nửa có thể tách rời).
• Khi xiết các ecu giữ bánh nên xiết đều tay theo thứ tự đối diện.
• Khi mang bánh xe xẹp tới chỗ vá xăm (ruột) nên hướng dẫn thợ vá là tháo 05 ecu M8 để tách hai nửa la-răng chứ không dùng dụng cụ móc lốp (vỏ) như các loại xe khác.
• Nếu bạn chưa quen nên nhìn kỹ trước khi tháo bánh để tránh lắp nhầm bên (hồi mới chạy Vespa tôi đã bị nhầm một lần, lúc xong thấy quái tại sao hai bánh xe trước sau lại không thẳng hàng???)

Pan thứ 6: Hơi yếu

Hơi yếu thì có mấy lý do:
- Lửa yếu (xem lại vô lăng lửa, canh lửa, kiểm tra mô bin sườn và bugi)
- Xăng nghẹt (xem lại bình xăng lớn, bình xăng con, chỉnh rít lơ)
- Piston cũ, mòn, mất hơi (thay piston, làm lại nòng xilanh)
- Ống bô (đôi khi ống bô bị móc mất ruột cho thông cũng làm mất hơi, không đủ hơi để đẩy piston trở lại xi lanh).

Pan thứ 7: máy kêu um sùm

Tiếng máy không trong thì chủ yếu là do cây dên (tay biên), bạc đạn dên hoặc bộ nồi ambraya (ly hợp). Acma máy gin thì còn do hộp số.

Tiếng hú là do nhông chuyền (nhông hú). Cái này bó tay. Thường thì nhông cũ quá gây hú. Nhưng đôi khi bộ nhông mới tinh thay vào lại hú như xe cứu hỏa. Hoặc, nhông im như thóc, nhưng khi làm máy xe xong lắp vào thì nhông lại hét ầm ĩ. Vì vậy, nhông hú hay không chẳng phải do tay nghề thợ mà là do... may rủi. Chỉ khi nào tất cả các chi tiết là đồ mới 100% mới đảm bảo nhông không hú. Thôi thì anh em Vespa ta sống chung với... hú vậy, như là đồng bào miền Tây sống chung với lũ í mà.

Bây giờ chúng ta đi vào các pan phức tạp hơn một chút nhé.

1. Bộ nồi ambraya (anh em miền Bắc gọi là bộ chảo côn, mâm côn, hoặc bát côn). Bộ nồi ambraya là một bộ phận phức tạp và rất quan trọng trong cơ cấu máy xe. Đây là bộ phận kết nối hoặc ngắt truyền động từ piston-xilanh (bộ hơi) và cây dên (tay biên) ra hộp số. Khi nổ máy xe, piston cứ chạy thoải mái, xe cứ tỉnh queo. Chỉ đến khi vào số, lực từ nhông chuyền mới tác động vào hộp số làm xe chạy. Tuy nhiên, đến đây bắt đầu có rắc rối. Piston đang chạy như vịt, hộp số đứng yên, nếu đè dí nhông chuyền vào hộp số bắt chạy đương nhiên lực cản làm piston ngừng đột ngột gây tắt máy. Thế là người ta nghĩ ra cơ cấu ambraya (ly hợp). Động tác bóp ambraya (tay côn) có tác dụng ngắt truyền động từ piston, sau đấy vào số nghĩa là đè dí nhông chuyền vàp hộp số thì xe vẫn chưa có lực để chạy. Khi nhả ambraya từ từ, truyền động từ piston qua cây dên bắt đầu tác động vào hộp số và xe từ từ lấy đà chạy. Người mới chạy Vespa không quen, nhả ambraya đột ngột sẽ gây tắt máy. Cũng vậy, khi bộ ambraya không tốt, vẫn bóp tay côn nhưng truyền động từ piston không bị ngắt, khi vào số tắt máy là chuyện no table. Như vậy, phải thay nồi ambraya (bát côn) hoặc mở ra gò nắn lại cho cân.

Đây cũng là kinh nghiệm khi dây ambraya đứt. Máy nổ rồi, nhưng vô số đánh oạch thì... máy bay cũng còn tắt huống gì Vespa. Thế là ngồi lên xe lấy chân đẩy vài cái cho xe có đà rồi vào số. Tuy em yêu có lồng lên một chút nhưng vẫn tà tà được về đến nhà để thay dây ambraya.

2. Nhớt (dầu) chảy tèm lem ở bánh sau. Nhớt chảy ướt lốc máy thì do cửa sổ hút ở bình xăng con (chế hòa khí) bị hở. Tuy nhiên, nhớt chảy ở ngay bánh sau như bạn mô tả là do hở cổ phốt (là bộ phận bó chặt lấy trục bánh xe để nhớt trong lốc máy không chảy ra ngoài). Lỗi này rất nguy hiểm vì nhớt chảy ra bánh xe làm phanh mất tác dụng.
Tuy nhiên cần phân biệt với hiện tượng nhớt văng ra từ ống bô. Khi đó nhớt chỉ dính vào bánh xe phía bên có ống bô và toé ra lốm đốm. Còn nhớt chảy do hở cổ phốt thì nó lem thành mảng.

3. Xem đầu bugi chẩn bệnh:

- Bugi đỏ gạch: ngon lành.
- Bugi trắng xám: thiếu xăng.
- Bugi đen thui & ướt: thừa xăng.
- Bugi đen thui & khô: thừa nhớt hoặc thiếu gió.

4. Nói thêm về gió:

Đối với dòng Vespa nói chung, tỷ lệ xăng/gió chuẩn là 1/12. Xe thiếu gió nghĩa là xi lanh không đủ không khí để đốt hết xăng. Do đó, nhiều khi xe xăng lửa chuẩn mà bugi vẫn đen là do thiếu gió. Con ốc chỉnh gió nằm bên hông dưới của hộp cạc-te bình xăng con. Tuy nhiên, chỉnh gió không đơn giản, nên để thợ làm.

5. Về cấu tạo buồng đốt và phốt dên:

- Đừng lầm với phốt nhớt, là phốt ngăn không cho nhớt trong buồng máy xì ra trục bánh xe.

- Phốt dên có nhiệm vụ bóp hai bên trục búa dên, làm kín buồng đốt. Nếu phốt dên bên vô-lăng hở, hơi kèm xăng xì từ buồng đốt ra bên vô lăng gây nám đen và đọng nhớt, bụi. Nếu phốt dên bên côn hở, nhớt từ lốc máy rỉ vào buồng dên và cháy ra khói đen cộng mùi hôi đặc trưng.

- Xi lanh & cạc-te dên tạo nên một buồng kín, thông ra ngoài qua 2 đường là lỗ xả ra ống bô và lỗ lấy gió (cửa sổ hút). Còn lỗ hút của xi lanh không thông ra ngoài mà chỉ thông từ xilanh qua cạc-te dên. Do đó, xăng nhớt chỉ có thể tràn ra qua 2 đường này.- Đường ống bô thì chịu, xe có đời năm 2009 cũng thế thôi, vẫn bị đọng nhớt ống bô. Đường cửa sổ hút là do búa dên lâu ngày bị mòn đóng không kín hoặc thợ rà ẩu, áp lực buồng đốt sẽ tống một ít xăng thoát ra qua khe hở búa dên văng ra cửa sổ hút. Mở hết nắp đậy bình xăng con và ống lọc sẽ thấy lưỡi gà ướt nếu búa dên đóng không kín, nổ máy rồ ra sẽ thấy xăng văng ra.

- Nhớt đọng nhiều trong cạc-te bình xăng con sẽ tràn ra qua lỗ thoát & dẫn đến hiện tượng loang nhớt lốc máy nhìn ngứa con mắt.


(Sưu tầm của Bác Thắng Vespa)
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên