Được học 2 môn học của giáo sư vĩ đại luôn hướng về nhiên liệu thay thế

khoadongluc
Bình luận: 2Lượt xem: 1,996

khoadongluc

Nothing Is Impossible
Nhân viên
Vị Giáo sư và những công trình khoa học

Tên tuổi ông nhiều người biết đến không chỉ qua 240 công trình nghiên cứu đã công bố trên các tạp chí và hội nghị khoa học trong, ngoài nước; 8 công trình đăng ký bằng phát minh sáng chế, 3 phát minh đã cấp bằng đang ứng dụng rộng rãi trong đời sống mà còn ở phong cách khiêm nhường, bình dị, hết lòng vì mọi người, vì khoa học của ông.

Ông là vị giáo sư 2 lần vinh dự được Chính phủ Cộng hòa Pháp tặng thưởng Huân chương Hàn lâm, phần thưởng lâu đời và uy tín nhất của nước này tặng cho công dân Pháp và người nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục, khoa học và nghiên cứu. Ông cũng được Nhà nước ta tặng Huân chương Lao động hạng ba; năm 2008 là Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ông là GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng.
Ông sinh năm Đinh Dậu (1957), tại Phú Tài, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, trong gia đình nông dân nghèo có tới 6 người con. Tên khai sinh của ông là Bùi Văn Gà (đặt theo năm sinh). Theo ông, hồi học đại học, cái tên Gà nghe ngồ ngộ thế nào ấy, thầy giáo quyết định đổi thành Ga, hơn nữa, sang Pháp nghiên cứu sinh, phiên âm tên không dấu, gọi miết rồi quen cho đến nay.
Ngày miền Nam giải phóng cũng là lúc cậu học trò nghèo Bùi Văn Ga kết thúc chương trình tú tài và thi đậu khóa đầu tiên Đại học Bách khoa Đà Nẵng với điểm rất cao. Từ đó đến nay, ông gắn bó với ngôi trường thân yêu ấy. Kết thúc đời sinh viên, ông trở thành giảng viên Khoa cơ khí, rồi Trưởng Phòng Khoa học, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa và nay là Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nơi có 2.000 cán bộ, giảng viên và 65 nghìn sinh viên. Ông đã 2 lần sang Pháp nghiên cứu sinh, lần thứ nhất từ 1985 đến 1989, lần thứ 2 từ 1991-1994 để bảo vệ luận án Tiến sĩ Kỹ thuật và Tiến sĩ Khoa học ngành động cơ nhiệt.
Ngày còn là học sinh tiểu học ông đã từng chứng kiến nhiều nông dân, kể cả cha ông bó tay khi máy bơm nước bị hỏng. Hồi đó, cha ông dặn lớn lên nhớ học nghề cơ khí để giúp sửa máy bơm cho dân làng. Mang theo ước nguyện của người cha thân yêu, vào đại học, ông theo ngành cơ khí. Năm 1980 ra trường, với tấm bằng đỏ, ông được chọn ở lại làm công tác giảng dạy chính nơi mình vừa học. Công việc cuốn hút, đời sống khó khăn, ông ít có điều kiện về thăm quê. Tuy vậy, trong ông vẫn đau đáu về một vùng quê tươi tắn bình yên dưới chân đèo Cù Mông.

Nơi đó đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ và những nông dân tảo tần một nắng hai sương với đồng ruộng. Có điều, vài chục năm trở lại đây, mỗi dịp về thăm quê, ông không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh môi trường bị tàn phá. Đèo Cù Mông thơ mộng là vậy mà nhiều cây cối bị chặt hạ, nguồn nước ô nhiễm. Những chiếc ô-tô tải rú ga vượt đèo Cù Mông nhả từng đụn khói đen lên không trung. Cảnh tượng đó làm ông nhiều đêm không chợp mắt.
Ông trăn trở về ô nhiễm môi trường do chính con người gây ra. Phải làm điều gì đó để giảm ô nhiễm, không ít lần ông tự vấn lòng mình như vậy. Chính điều này canh cánh bên ông cả những năm học tập ở nước ngoài. Và đó là động lực để ông thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước: Giảm ô nhiễm môi trường do các phương tiện vận tải gây ra, với phát minh sáng chế xe máy, ô-tô chạy bằng khí ga, được thế giới ghi nhận và ứng dụng rộng rãi.
Năm 1984, khi vừa tròn 27 tuổi, ông đã có công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên: cải tiến hệ thống phanh xe khách 52 chỗ ngồi. Hai năm sau ngày hoàn thành luận án TSKH ngành động cơ nhiệt (1996), ông có công trình khoa học cấp Bộ: Ô nhiễm môi trường do phương tiện vận tải gây ra. Giữa năm 2000, ông công bố công trình nghiên cứu sử dụng động cơ nhiên liệu khí ở Việt Nam. Đây là đề tài cấp Nhà nước, gây tiếng vang lớn trong giới khoa học.

Từ cơ sở của công trình này, các đề tài khoa học có giá trị thực tiễn về ứng dụng khí hóa lỏng cho động cơ đốt trong lần lượt ra đời. Tiếp theo đó là công trình khoa học "Hệ thống nhiên liệu dùng cho xe gắn máy hai bánh sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng LPG/xăng", được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng phát minh sáng chế độc quyền, mã số 3692, ngày 1-8-2003. Liên tục các năm 2004-2006, ông cho ra đời một loạt đề tài về nhiều lĩnh vực, đó là quy hoạch tuyến giao thông thí điểm ở thành phố Đà Nẵng, thiết kế chế tạo hệ thống động lực của ô-tô lai (Hybrtd) điện - nhiệt hai chỗ ngồi; Xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu "Lao động nghề nghiệp và môi trường"...

Ông là người biên soạn nhiều sách và giáo trình về động cơ đốt trong, ô nhiễm môi trường..., chủ trương đưa các giáo trình này vào giảng dạy trong trường đại học; lập nhóm nghiên cứu về công nghệ bảo vệ môi trường. Mới đây nhất, ông thành công với đề tài ứng dụng khí biogas dùng cho máy nổ phát điện, giúp giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đem lại lợi ích kinh tế rất cao. Đề tài này đang được nhiều trang trại nuôi heo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ứng dụng.
Nhiều năm trôi qua, ký ức về ngày chạy thử nghiệm gas cho xe gắn máy vẫn không phai trong ông. Dạo đó, vào giữa những năm 90 thế kỷ trước, sau nhiều tháng trời vật lộn với các zích lơ, ốc vít của bộ chế hòa khí, ông đã chế tạo thành công bộ chuyển đổi động cơ từ chạy xăng sang chạy gas. Có điều chạy bằng nhiên liệu này phải đèo bòng thêm bình gas to đùng sau xe. Hồi đó, thấy ông lúc nào cũng chở bình gas y như thùng bán trứng vịt lộn phía sau chiếc xe Cúp 70 cũ, có người cho ông gàn dở. Thậm chí, nhiều người sợ bình gas nổ không dám lại gần.

Bỏ ngoài tai mọi sự đàm tiếu, ông miệt mài, say mê với công trình khoa học của mình, công trình mà theo ông là giữ lấy sự trong lành cho môi trường sống. Và rồi, thành công đã đến trên cả sự mong đợi của nhiều người. Bình gas được thiết kế nhỏ gọn lắp trong cốp xe, chỉ cần loại 2kg là bon bon chặng đường 200 cây số mới thay bình khác, khí thải ra môi trường chỉ bằng 30% so với chạy bằng xăng.
Cách đây hơn chục năm, ngày ông Trương Gặp bật lên ngọn lửa xanh từ các hầm biogas, nhiều nông dân đã cho là sự lạ kỳ của cuộc sống. Hiện nay, GS-TSKH Bùi Văn Ga đang viết tiếp sự "lạ" đó là biến chất thải chăn nuôi thành nguồn nhiên liệu chạy máy phát điện. Sau 10 năm kiên trì nghiên cứu, ông đã chế tạo thành công bộ phụ kiện chuyển đổi nhiên liệu biogas-diesel.

Ưu việt của bộ chuyển đổi này là một động cơ có thể chạy bằng 2 loại nhiên liệu, biogas hoặc diezen, cho dù phụ tải thay đổi nhưng tốc độ động cơ vẫn ổn định. Hiện tại, ông đang lắp bộ chuyển đổi này trên động cơ diezen Dongfeng của Trung Quốc, lấy nhiên liệu từ các hầm biogas phát ra dòng điện từ 5 - 20kW. Là kỹ sư nhưng ông Huỳnh Ngọc Lanh, chủ cơ sở nuôi 600 con heo ở thôn Nam Thành, xã Hòa Phong không khỏi ngỡ ngàng trước thành tựu khoa học này: "Đơn giản và thuận tiện. Chỉ cần cắm ống dẫn gas vào đầu bộ chuyển đổi, quay máy nổ và cho chạy suốt ngày. Tính ra, tiết kiệm 3 triệu đồng tiền điện/tháng".
Ông là người của công việc. Hầu như ông ít có thời gian rảnh rỗi cho riêng mình. Ngoài khối lượng công việc rất lớn của Giám đốc Đại học Đà Nẵng, ông vẫn dành thời gian nghiên cứu khoa học. Thời gian gần đây, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, bà con các xã miền núi vẫn thường gặp ông đi lắp máy nổ chạy bằng gas cho các cơ sở chăn nuôi lớn. Không ít người ngạc nhiên khi thấy vị giáo sư tên tuổi, người thấp đậm, chẳng khác bác thợ cơ khí suốt ngày cà lê mỏ lết, hì hục tháo lắp, cười rạng rỡ với nông dân khi nguồn điện từ máy chạy bằng gas bật sáng.


Gửi gắm tâm tư với những nhà khoa học trẻ, GS-TSKH Bùi Văn Ga nói: "Nghiên cứu khoa học có thể đi từ nhiều hướng khác nhau, nhưng phải tìm tòi lựa chọn hướng đi cho phù hợp.
Trước hết cần phải xuất phát từ lợi ích của cộng đồng và đặc biệt, các nhà khoa học trẻ cần tự trọng, không nên sao chép, ăn cắp các công trình nghiên cứu của người khác"...

Báo Đà Nẵng
Gacon cảm thấy hạnh phúc vì đã được học dưới mái trường với chuyên nghành mà mình miệt mài yêu thích, được học thầy ga hai môn học
- Cháy và ô nhiễm môi trường
- Đo và sử lý số liệu thí nghiệm động cơ
Và hiện nay đang được và đã làm các công việc liên quan đến nhiên liệu thay thế như:
- Lắp ráp, vân hành, sửa chữa ô tô lắp bộ chuyẩn đổi LPG trên các loại xe ô tô động cơ sử dụng nhiên liệu xăng.
- Nhà máy điện sinh khối TBBP - DZIMA

Nhà máy điện biomass - sử dụng nhiên liệu vỏ trấu làm nhiên liệu cho động cơ phát ra điện

Trong tương lai có lẽ sẽ làm bên lĩnh vực khí biogas và khí gas thiên nhiên CNG
 

huynhnamtu89

Tài xế O-H
Mình cũng hâm mộ thầy Ga lâu rồi. Một lần gặp thầy ở bộ môn ô tô BK tp HCM, thầy thật là giản dị nhưng tầm vóc của thầy thì không giản dị chút nào. Cũng thật bất ngờ khi biết mình cùng quê Bình Định với thầy.
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên