GPLX Việt Nam được các nước công nhận quy đổi

vancong
Bình luận: 0Lượt xem: 1,309

vancong

Hết mình vì Ô hát!
Giấy phép lái xe (GPLX) của Việt Nam được hầu hết các nước có quan hệ với Việt Nam công nhận và đổi sang GPLX của nước họ (như Nga, Nhật Bản, Pháp, Anh, Hoa Kỳ…) - ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết.
>> Từ 15/5, tăng hạn sử dụng giấy phép lái xe ô tô lên 10 năm
>> Xem mẫu giấy phép lái xe cơ giới đường bộ mới

Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Ảnh: Chinhphu.vn

Trước băn khoăn về việc sử dụng xe ô tô có số tự động ngày càng nhiều trong khi chương trình đào tạo lái xe ô tô hiện tập trung vào xe số sàn, trả lời trên báo Chinhphu.vn, ông Quyền cho biết: Theo quy định hiện hành, những người đã có GPLX hợp pháp được lái loại xe tương ứng ghi trong GPLX.

Hiện tại, hầu hết các phương tiện ôtô tại Việt Nam vẫn là xe sử dụng số sàn. Đặc biệt toàn bộ số xe khách, xe tải (chiếm 70%) đều sử dụng số sàn. Chỉ có một số lượng ít phương tiện xe du lịch cá nhân đời mới hiện nay sử dụng số tự động.

Trên thực tế, có nhiều người được đào tạo lái xe từ lâu, nhưng hiện vẫn đang lái loại xe số tự động bình thường. Những người lái xe số sàn khi lái xe số tự động chỉ cần tự tìm hiểu về kết cấu xe, làm quen xe là có thể điều khiển xe số tự động. Trường hợp cần thiết, người lái xe phải nhờ người có hiểu biết về xe số tự động hoặc cơ sở đào tạo lái xe ô tô để được hướng dẫn.

"Về nguyên tắc, người lái xe chỉ được điều khiển xe khi đã thực sự hiểu và làm chủ được phương tiện. Nguyên lý điều khiển xe số sàn và xe số tự động là giống nhau nhưng thao tác chuyển số xe số tự động ít và đơn giản hơn xe số sàn", ông Quyền nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, chương trình đào tạo lái xe hiện nay của nước ta đã được xây dựng có tham khảo phù hợp với chương trình đào tạo của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo đó, đào tạo bằng xe số sàn là chủ yếu, đối với xe số tự động trong giáo trình đào tạo có nội dung giới thiệu hoạt động, ký hiệu các cửa số, các bước chuyển số của hộp số tự động. Chương trình đã bao quát và giải quyết được các yêu cầu đặt ra.

Gần đây, trong khuôn khổ dự án An toàn giao thông do Ngân hàng thế giới WB tài trợ, tư vấn nước ngoài cũng đã khảo sát, xem xét nội dung, chương trình đào tạo; nội dung, quy trình sát hạch lái xe của nước ta và đánh giá phù hợp thông lệ quốc tế chung.

Để khắc phục tình trạng GPLX giả (GPLX bị tẩy xóa, làm thay đổi nội dung, thay ảnh...), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai thực hiện Đề án đổi mới quản lý GPLX.

GPLX sẽ được in với công nghệ hiện đại hơn, tăng cường các yếu tố bảo mật, chống làm giả, chống tẩy xóa, sửa đổi nội dung.

Bên cạnh đó, Thông tư 15 vừa được Bộ Giao thông vận tải ban hành cũng quy định: Người giả khai báo mất hoặc tẩy xoá, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả; có hành vi cố tình gian dối khác để được đổi, cấp lại GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX và hồ sơ gốc còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép trong thời hạn 5 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Theo Tuấn Khang - Tuệ Văn
chinhphu.vn
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên