Khi quý bà Trung Quốc mê siêu xe hơn mê chồng

vancong
Bình luận: 0Lượt xem: 1,202

vancong

Hết mình vì Ô hát!
- Fiat cho biết tỷ lệ khách hàng nữ mua xe Maserati tại Trung Quốc cao gấp 3 ở châu Âu, còn tỷ lệ mua xe Ferrari cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu của tập đoàn. Bà Lily Liu, 44 tuổi, ở Bắc Kinh luôn thích tốc độ cao và rất rộng tay chi tiền cho niềm đam mê này.

Bà Liu đã mua một chiếc Porsche AG 911 Carrera S màu xám cách đây 2 năm với giá 1,2 triệu nhân dân tệ (182.000 USD) và đang chuẩn bị tậu thêm một chiếc Aston Martin. Nữ chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty xây dựng cho biết bà thấy khá hãnh diện khi trở thành tâm điểm chú ý khi cầm lái chiếc xe thể thao đi trong thành phố.

“Những chiếc ô tô tốc độ cao trước nay luôn là thế giới của đàn ông,” bà Liu nói. “Và phụ nữ mua loại xe này chỉ để tìm kiếm sự bình đẳng trong quan hệ với các đối tác nam.”

1/3 số triệu phú của Trung Quốc là nữ giới, và họ là chủ nhân của một tỷ lệ khá lớn ô tô thể thao tính năng vận hành cao trong nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới này. Fiat cho biết tỷ lệ khách hàng nữ mua xe Maserati tại Trung Quốc cao gấp 3 lần ở châu Âu, trong khi tỷ lệ mua xe Ferrari cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

Theo công ty tư vấn Bain & Co. Deliveries, tiêu thụ xe siêu sang tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, ước tính tăng 60% trong năm 2010 vừa qua, và có thể tăng 35% trong năm nay, do ngày càng nhiều doanh nhân Trung Quốc muốn thể hiện sự thành đạt.

Những phụ nữ thành đạt

Số lượng triệu phú của Trung Quốc đã tăng 6,1% trong năm 2010 lên 875.000 người, theo số liệu của Viện nghiên cứu Hurun đóng tại Thượng Hải, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng 9,6% trong quý III.

Trung Quốc chiếm tới 11 vị trí trong danh sách 20 nữ doanh nhân tự lập giàu nhất thế giới. Bà Cheung Yan, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Nine Dragons Paper Holdings Ltd. đứng đầu danh sách với tổng giá trị tài sản ước đạt 5,6 tỷ USD, theo Hurun.

Bà Sarah Yao, 36 tuổi, đang chuẩn bị mua một chiếc xe sang khác để bổ sung vào bộ sưu tập ô tô hiện có 9 chiếc của mình, trong đó có 2 chiếc Maserati và một chiếc Fiat 500. Bà cho biết đã từng bay sang tận Ý để học lái xe Maserati.

“Ngày nay, phụ nữ làm nhiều việc của đàn ông. Chúng tôi làm việc rất vất vả và muốn tự thưởng cho bản thân,” bà Yao, đồng sở hữu Khách sạn Castle ở thành phố biển Thanh Đảo, nói.



Theo ước tính của Bain & Co. Deliveries, tiêu thụ ô tô siêu sang tại Trung Quốc năm 2010 vừa tăng khoảng 60% lên hơn 1.500 xe, so với con số 948 xe của năm 2009. Trong khi đó, tại Mỹ, tiêu thụ ô tô siêu sang (giá trên 100.000 USD) tăng khoảng 35% trong năm 2010 lên 8.500 chiếc, so với mức 6.300 xe của năm 2009, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường ô tô IHS Automotive đặt tại tiểu bang Massachusetts (Mỹ).

Ông Christian Gobber, Giám đốc Maserati tại Trung Quốc, cho biết doanh số bán hàng của Maserati tại đại lục đã tăng 50% trong năm 2010 lên 400 chiếc, khiến Trung Quốc vượt Ý trở thành thị trường lớn thứ hai của hãng trên thế giới.

Ông Gobber cũng tiết lộ rằng nữ giới chiếm 30% khách hàng của hãng tại Trung Quốc, trong khi tỷ lệ tại châu Âu là chưa đến 10%. Mẫu xe mui trần Maserati GranCabrio động cơ công suất 433 mã lực có giá sau thuế tại Trung Quốc lên tới 406.656 USD, còn mẫu GranTurismo S coupe giá 391.527 USD.

Thương hiệu xe thể thao Ý này đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu khách hàng nữ tại Trung Quốc bằng cách bổ sung các màu sơn như đỏ và Bordeaux.

“Đây là một xã hội có những phụ nữ đầy quyền lực. Không khó gặp những phụ nữ nắm giữ vị trí cao và điều hành những hoạt động kinh doanh quan trọng,” ông Gobber cho biết.

“Tôi mê cảm giác lái xe tốc độ cao. Cầm vô-lăng một chiếc ô tô thể thao vẫn là điều khiến nhiều người rất ghen tỵ,” bà Liu nói.

Ferrari và Lamborghini được mùa

Bà Yao đã tự mua tặng mình một chiếc Ferrari mui trần để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 31 và mua một chiếc Maserati GranTurismo vào năm 2008.

“Đó là thứ đồ chơi to lớn, đẹp và tốc độ,” bà Yao nói.

Doanh số của Ferrari tại Trung Quốc năm 2010 đã tăng gần 50% lên khoảng 300 xe, trong đó khách hàng nữ chiếm khoảng 20%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu của tập đoàn.

Ferrari dự kiến trong năm nay sẽ tăng số đại lý tại Trung Quốc đại lục từ 11 lên 15, tập trung vào các thành phố ngoài Bắc Kinh và Thượng Hải.

Ông Edwin Fenech, Chủ tịch Ferrari khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, cho biết công ty dự đoán doanh số sẽ tăng mạnh trong xu hướng người giàu ở Trung Quốc không thích dùng tài xế mà muốn tự lái xe.

“Trung Quốc là một thị trường hiện nay những người giàu không tự lái xe. Bạn phải đợi tới khi nhóm khách hàng này chuyển từ băng ghế sau lên ghế lái,” ông Fenech nói.

Doanh số của Lamborghini, thương hiệu siêu xe thuộc tập đoàn Volkswagen, đã tăng gấp 3 tại Trung Quốc trong năm 2010 lên 247 chiếc. Lượng khách hàng nữ tới hỏi mua xe tại một đại lý Lamborghini ở Hàng Châu đã tăng 50% trong năm 2010, và đại lý này đã có khách nữ đầu tiên mua hàng.

Volkswagen có thể bắt đầu đưa thương hiệu Bugatti vào Trung Quốc đại lục trong năm nay. “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường xe sang lớn nhất thế giới,” chủ tịch Soh Weiming của Volkswagen chi nhánh Trung Quốc nói.

Thuế nhập khẩu ô tô

Giá xe siêu sang tại Trung Quốc đại lục cao hơn 2 lần giá xe tại Mỹ do các loại thuế. Ví dụ thuế nhập khẩu 25% và thuế tính trên dung tích động cơ có thể lên tới 40% với một chiếc Maserati GranTurismo.

Một chiếc GranTurismo coupe có giá từ khoảng 332.678 USD tại Trung Quốc, trong khi tại Mỹ là 139.700 USD. Một chiếc Ferrari California giá 527.924 USD tại Trung Quốc, còn tại Mỹ là khoảng 200.000 USD.

Để phát triển ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của mình, Trung Quốc quy định từ năm 1994 rằng các công ty nước ngoài phải thành lập liên doanh với đối tác Trung Quốc để lắp ráp xe tại nước này. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có thể lấy toàn bộ doanh số xe liên doanh lắp ráp tại Trung Quốc vào báo cáo tài chính, nhưng chỉ được lấy một nửa lợi nhuận.

Vì các thương hiệu ô tô siêu sang hầu hết nhập khẩu xe lắp ráp ở nước ngoài vào Trung Quốc, nên được giữ toàn bộ lợi nhuận.

Lợi nhuận của Maserati và Ferrari dự kiến đạt 290 triệu euro (380 triệu USD) trong năm 2010, đóng góp 27% lợi nhuận lĩnh vực ô tô du lịch của tập đoàn Fiat, theo một báo cáo của Citigroup hồi đầu tháng 1/2011. Mức đóng góp này có thể tăng lên 30% trong năm nay.
(Theo dantri)
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên