Những siêu xe rạng danh FIA GT Championship (phần 2)

P
Bình luận: 0Lượt xem: 960

pink-panther

Tài xế O-H




Cơ bắp Mỹ thực dụng đối lập với vẻ đẹp Ý hào hoa, cầu kỳ và... rối rắm. Sự tột đỉnh nổi tiếng đối lập với những hãng xe tự chế vô danh. Tất cả đã tạo nên sự quyến rũ của FIA GT!

Corvette C6R:



Những chiếc Corvette mang đậm phong cách xe cơ bắp Mĩ, với form đơn giản của 1 chiếc coupe 2 chỗ. Cùng với các model Dodge Viper SRT, những chiếc Corvette đã tạo nên 1 bộ đôi GM cùng mang tính biểu tượng. Nhưng về thực chất, với trọng lượng nhẹ hơn hẳn và sự linh hoạt, C6 và Z06 trở thành vũ khí ưa thích của rất nhiều đội đua hạng GT1.

Tuy ngoài thị trường Z06 đứng ở phân hạng trên, trong đường đua những chiếc C6 với chữ “R” lại thể hiện nổi trội hơn hẳn.Trong khi Z06 vẫn là model 2006, mùa giải này chứng kiến 1 chiếc C6R mới mẻ.

Nhờ có sự thống nhất về qui định và điều luật giữa FIA GT và các giải GT khác, các nhà sản xuất có thể ung dung mang cùng 1 mẫu xe tới bất cứ nơi nào họ tin chiến thắng có thể về tay họ. Tham gia vào hạng GT1 của nhiều giải đua như FIA GT, American Lemans (tham gia giải này là đội đua chính thức Corvette Racing của GM), và cả giải Le Mans 24h truyền thống, Corvette thể hiện rất nổi trội với động cơ 7.0l cho công suất 590 mã lực, mô-men xoắn 867 Nm. Một số căn chỉnh khác giúp xe đạt công suất 600 mã lực và mô-men xoắn 845 Nm.

Với trọng lượng cũng ở mức 1100 kg, công suất tương đương các đối thủ khác, nhưng mô-men xoắn vượt trội, chiến thắng của C6R tại nhiều giải cũng là điều không khó tưởng tượng. Lợi thế này đến từ việc C6R chỉ sử dụng động cơ V8, trong khi những nhà sản xuất khác tại GT1 dùng động cơ V12, vì thế động cơ của Corvette được “linh động” thêm 1.0L.

Động cơ thế hệ LS7 và hộp số Tremek vốn sử dụng trên xe thương mại, dẫn động bánh sau, khung thép uốn thủy lực v.v... không chi tiết nào mang tên những công nghệ đầy khoa trương như những chiếc xe Ý, nhưng tất cả đều là các tuyệt tác cơ khí. Có vẻ như châm ngôn đơn giản của cơ bắp Mĩ đang thắng thế với C6R và S7R. Một điều thú vị là 2 hãng này có vẻ như ngẫu nhiên đứng cùng hàng ngũ để tôn vinh bản sắc quốc gia của họ, với cách đặt tên xe giống hệt nhau.

Thống trị hạng GT1 của American Le Mans, C6R và đội đua Corvette racing đoạt chức vô địch cho cả đội đua và nhà sản xuất 8 năm liên tiếp và đột ngột từ giã vinh quang khi chuyển C6R xuống thi đấu tại GT2, nơi nhiều đối thủ đang lo ngại mãnh thú màu vàng. Tại FIA GT, giải đấu mang tầm quốc tế, Corvette không tỏa sáng như tại quê nhà. Đội đua Phoenix đứng hạng 2 năm nay và hạng 3 năm 2006 thì lại dùng chiếc Z06.

Maserati MC12:

Ngay cả trên đường đua, những chiếc siêu xe Italia vẫn đầy gợi cảm. Với bodykit và chassis cũng như khung được thay đổi rất nhiều, MC12 vẫn được FIA ghi trong hồ sơ với thể loại “roadster”. Nóc mái hoàn toàn có thể tháo ra được của xe là 1 điểm đặc biệt trong thể thao tốc độ, nơi phần khung vỏ thường được cố hết sức làm liền khối để gia tăng độ cứng. Tất nhiên, sự làm duyên hơi đỏng đảnh này không nguy hiểm khi đã được FIA kiểm tra và công nhận.

Do hãng mẹ đại gia Ferrari sở hữu, công nghệ tiên tiến được áp dụng thừa thãi trên chiếc GT1 này. Động cơ V12 6.0L được cho là giống của Enzo có công suất từ 625 tới 630 mã lực và mô-men cực đại 652 Nm với vòng tua tối đa đạt 7700 vòng/phút.

Khung xe và chassis làm từ carbon và Nomex ở dạng tổ ong đúc liền khối. Hai khung phụ ở đầu và đuôi xe làm bằng hợp kim nhôm. Hệ thống phanh với các piston kích cỡ cực lớn có hệ thống phân bổ lực phanh điện tử (EBD); hộp số cơ khí Cambiocorsa điều khiển thủy lực-điện tử với cần số trên vô lăng và hệ thống kiểm soát lực kéo của Bosh là những minh chứng cho sự “lạm dụng” công nghệ của những chiếc xe Italia.
Khả năng của MC12 rất đáng gờm: 0-100km/h trong 3.8s; đạt 200 km/h trong 6.1s tiếp theo; chạy ¼ dặm trong 11,3s và tốc độ tối đa hơn 330 km/h.
Chiếc MC12 như 1 tay người ngoài hành tinh với công nghệ cao đầy lạ lẫm trong thế giới của những đội đua ít tiền hơn. Chặng đường tới với FIA GT1 của MC12 vào năm 2004 khá gian nan. Maserati đã phải chịu phạt mang trọng lượng cao 1335 kg để được đua GT1; bị cấm đua tại American Le Mans trước năm 2005 vì kích thước quá khổ; trục trặc và “thi thố dưới cơ” tại Suzuka do tính khí động học sút kém so với các đối thủ tại GT500.
Tuy vậy vị trí số 1 của đội đua Vitaphone-với 2 chiếc MC12-trong các mùa giải FIA GT 2005, 2006, 2007 và 2008 bằng điểm số quá áp đảo, cùng 2 năm liền đoạt cúp cho nhà sản xuất (2005 và 2007) là sự thống trị không thể chối cãi của công nghệ Ferrari trong thế giới tốc độ.


Porsche 997 GT3 RSR:


Porsche có vẻ như rất vừa lòng với làn đường riêng của mình, cả trong thể thao tốc độ và thị trường siêu xe. Những chiếc Porsche luôn có 1 chỗ đứng riêng đủ cao để mọi đối thủ phải ngước nhìn mà không bao giờ bị những ông lớn chèn ép. Ngoài 2 tiêu điểm sức mạnh 962 và công nghệ Carrera GT nổi lên trong thời gian không dài, Porsche luôn thể hiện là 1 tay đấm vô địch ở hạng ruồi!

Tham gia hạng GT3 và tuân thủ điều luật của cả FIA, IMSA (International Motorsport Association), nhà tổ chức Le Mans A.C.O, và VNL (Veedol Langstrecke Nürburgring), 997 RSR tham dự hầu hết những giải đua danh tiếng. Nâng trọng lượng từ 1125 kg lên 1225 kg mùa giải này theo qui định, 997 RSR vẫn là chiếc xe mạnh mẽ.

Nổi tiếng với động cơ Boxer có vòng tua rất cao, dung tích khiêm tốn 3,8L vẫn cho công suất 465 mã lực@8000 vòng/phút và momen 430 Nm@7250 vòng/phút (với bộ phận giới hạn khí nạp 2x29.5mm); hoặc thậm chí 485 mã lực@8500 vòng/phút cùng momen 435 Nm@7250 vòng/phút (bộ phận giới hạn khí nạp 2x30mm) với vòng tua tối đa đạt tới 9000 vòng/phút! Đây là động cơ nạp khí tự nhiên có tỉ lệ công suất/dung tích cao nhất trong cả phân hạng đua cũng như các loại xe sản xuất thương mại. Và đáng nể hơn là nó vẫn hoạt động bền bỉ và hiệu quả trên các mẫu xe thương mại với tính năng không thua kém đáng kể.

Những bộ phận khác của chiếc xe Đức cũng không hề kém cạnh khi đứng cạnh những đối thủ Italia. Hộp số 6 bậc tuần tự với li hợp carbon rất nhanh và chính xác với truyền thống cơ khí Đức. Khung gầm liền khối được đúc với công nghệ tối tân cho độ cứng vững cao cùng hệ khí động học tinh vi giúp 997 vào cua vững chãi và ổn định ở vận tốc cao. Hệ thống phanh có khả năng cân đối lực phanh trước sau, giúp đảm bảo phần đuôi xe ổn định tối đa khi vào cua.

Tuy thành công trong thị trường xe thương mại, nhưng đường đua có vẻ không phải chỗ cho Porsche thể hiện. Với việc lựa chọn phiên bản 997 RSR Cup S yếu hơn ở mức 440 mã lực/8000 vòng/phút và momen 430 Nm/ 7250 vòng/phút, các đội đua sử dụng Porsche không mấy thành công tại FIA GT năm 2008. Tuy vậy, tại các giải đấu khu vực như các Porsche cup hay British GT, 997 trở nên sáng giá hơn với model RSR.

Panoz Esperante:


Một nhà sản xuất thủ công, với tuổi đời chỉ từ 1989 nhưng với đam mê cuồng nhiệt dễ làm ta liên tưởng tới Minardi hay Super Aguri của F1. Nhưng có lẽ số phận của Panoz với chiếc Esperante không hẩm hiu như vậy. Panoz là một tập đoàn khá bề thế với nhiều lĩnh vực nhưng đều có điểm chung là liên quan tới thể thao tốc độ. Tuy thế, các mẫu thương mại của họ không gây được tiếng vang nào trong nhiều năm qua. Có lẽ những chiếc xe với phụ tùng vay mượn này không gây ấn tượng nào hơn là 1 chiếc kit-car tính năng trung bình.

Trang bị động cơ V8 5,0L của Ford, chiếc xe 1225 kg này có công suất 476 mã lực và mô-men cũng 476 lb/ft (645 Nm) tại 5500 vòng/phút. Hộp số 6 cấp tuần tự do Hewland cung cấp còn bộ vi sai X-trac thì đến từ Salisbury. Phiên bản GTLM đang tham dự ALMS mùa giải này có công suất 420 mã lực và mô-men 570 Nm. Do trọng lượng tới 1534 kg, chiếc này chỉ có thể đạt 290 km/h và tăng tốc 0-100 km/h trong 4.3 s.

Tham gia GTS và GTLM của ALMS, Panoz chỉ đạt những thành công ngắn ngủi. Mùa giải 2008 FIA GT không có mặt của Panoz.

 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên