Thu phí ôtô vào Sài Gòn là thí điểm liều

vancong
Bình luận: 0Lượt xem: 750

vancong

Hết mình vì Ô hát!
Tốn vài chục triệu USD song chưa chắc giải quyết được bài toán ùn tắc, cùng các vấn đề phải đối diện như phản ứng người dân... nhiều chuyên gia cho rằng thu phí ôtô là cách làm "liều" cho một lần thí điểm nhưng cần thiết.
> http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/10/3BA14EA7/
Ôtô vào trung tâm TP HCM sẽ phải nộp phí
Trước tình hình ùn tắc đang ngày một tăng cao và mất kiểm soát, UBND TP HCM vừa chấp thuận chủ trương cho phép Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong được nghiên cứu xây dựng hệ thống thu phí tự động ôtô vào khu vực trung tâm và thí điểm trong 6 tháng.
> Xe đi nhiều phải đóng phí cao
Với số lượng ôtô hiện có trên 400.000 chiếc cùng khoảng 100 xe đăng ký mới mỗi ngày buộc Sài Gòn tính tới bài toán hạn chế trên nếu không muốn ôtô xếp hàng dài trên đường.
Cuối tháng 7, TP HCM từng đề xuất lập các trạm thu phí trên địa bàn thành phố với hệ thống thu phí giao thông điện tử (ERP - áp dụng cho ôtô). Phí được xây dựng theo cách tính số tiền phải trả để sử dụng một tuyến đường phụ thuộc vào mức độ ùn tắc trên tuyến, tức đường thường bị kẹt xe thì phí lưu hành xe máy càng cao.
Tháng 10/2008, UBND TP HCM đã nêu ý định thu phí lưu hành đối với ôtô. Theo đó, mỗi năm xe dưới 7 chỗ phải đóng phí lưu hành 10 triệu đồng. Nhưng đề xuất này bị Bộ Tài Chính bác với lý do không khả thi.
Thực tế tại Sài Gòn hiện nay cứ vào giờ cao điểm, hàng trăm nghìn phương tiện đổ ra đường gây nên cảnh tắc nghẽn tại nhiều nơi. Từ đầu năm đến hết tháng 9, toàn thành phố có tới 61 vụ ùn tắc lớn trên 30 phút, con số này năm ngoái chỉ là 48 vụ. Đó là chưa kể những vụ ùn tắc dưới nửa tiếng chưa được thống kê, báo cáo của Ban an toàn giao thông thành phố mở đầu cuộc họp bàn về chống ùn tắc hôm qua.
Ôtô kẹt cứng trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Kiên Cường. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban an toàn giao thông thành phố thì cứ như đà này, cuối năm nay chắc chắn TP HCM sẽ không đạt được mục tiêu kéo giảm ùn tắc khi số vụ kẹt xe cứ tăng với tốc độ chóng mặt và mất kiểm soát. “Có đến 12 vụ ùn tắc kéo dài từ 4 tiếng đến gần 9 tiếng là không thể chấp nhận được đối với một đô thị luôn hoạt động như Sài Gòn”, ông Tường nói.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho rằng, vấn nạn kẹt xe ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. “Hiện Sài Gòn đang phải gánh gần 4,2 triệu phương tiện đó là chưa kể xe ngoại tỉnh, tốc độ tăng phương tiện luôn ở mức 10% trong 9 tháng đầu năm. Trong khi diện tích mặt đường thành phố chỉ chiếm 5% diện tích mặt đường cả nước thì số phương tiện giao thông chiếm 1/3 quốc gia”, ông Quân dẫn chứng.
Ngoài việc thu phí lưu hành ôtô, UBND TP HCM tiếp tục ra một kế hoạch ngắn hạn với 7 nhóm giải pháp không mới: từ nay đến hết quý I/2010 tăng cường công tác tuyên truyền, tăng cường công tác xử phạt, chấn chỉnh trật tự đô thị và lòng lề đường, đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm, chấn chỉnh công tác thi công rào chắn...
Sở Giao thông (đơn vị soạn thảo kế hoạch này) cũng mạnh dạn đề nghị những biện pháp chưa từng có trước nay. Ví dụ cho phép các công trình đào đường thi công luôn ngày tết, lễ…
Tháng 10 năm ngoái, TP HCM đã đưa ra đề xuất dùng biện pháp tài chính thu phí lưu hành đối với ôtô nhưng sau đó bị Bộ Tài Chính "bác" vì không khả thi. Tháng 7 năm nay, thành phố lại đưa ra ý tưởng thu phí giao thông qua hệ thống thu tự động ERP áp dụng cho ôtô. Sau khi Chính phủ "bật đèn xanh" cho việc nghiên cứu thu phí giao thông, thì cuối tuần trước Sài Gòn lại rục rịch ra đời dự án thí điểm trong 6 tháng thu phí ôtô vào các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố.
Ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty Tiên Phong - đơn vị được chọn sẽ nghiên cứu làm thí điểm thu phí ôtô, nếu được UBND TP HCM duyệt - cho biết, về căn bản, hệ thống thu phí điện tử ERP áp dụng cho ôtô sẽ làm theo mô hình của Singapore. Nhưng thay vì làm cổng điện tử, thực tế với những đường không quá rộng như nước bạn, thành phố sẽ lắp đặt những cột thu tín hiệu như cột đèn giao thông. "Mỗi phương tiện được trang bị thiết bị riêng (IU) trong đó lưu trữ thông tin về phương tiện và khe cắm thẻ thông minh đã nạp tiền dành để trả phí ", ông Quân miêu tả.
Cổng thu phí điện tử và thiết bị thông minh IU gắn trên xe có khe cắm thẻ để trả phí tại Singapore. Ảnh: Trung tâm tư vấn Phát triển giao thông vận tải Theo ông Quân, khi triển khai thu phí, một hệ thống vành đai quanh khu vực trung tâm sẽ được thiết lập để gắn các cột đèn tín hiệu, cùng các hệ thống biển báo, trung tâm điều khiển thông tin... Chi phí lên đến vài chục triệu USD. "Về mặt kỹ thuật, công nghệ áp dụng vào TP HCM không có gì là khó khăn. Về tài chính thì doanh nghiệp đầu tư dự án theo hình thức BOT nên thành phố cũng phải không quá lo lắng", ông Quân chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, Giám đốc Trung tâm tư vấn Phát triển giao thông vận tải Khuất Việt Hùng dẫn chứng về cách làm của các nước đã áp dụng thành công biện pháp thu phí vào trung tâm.
Tại Singapore, mức thu cao nhất khoảng 2,5 đôla Sing (33.200 đồng) cho một xe hơi cá nhân nếu lưu thông trong thời gian từ 8h30 đến 9h30 sáng. Giờ thấp điểm sẽ không bị thu phí… Phương tiện vi phạm (không trả phí) sẽ bị phạt một khoản 10 đôla Sing (hơn 130.000 đồng). Từ năm 2003, London cũng áp dụng thu phí tắc đường LCCS cho khu vực trung tâm thương mại. Chi phí đầu tư ban đầu khoảng 180 triệu bảng (khoảng 5.465 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay), nhưng doanh thu của London đạt khoảng 160 triệu bảng một năm.
ĐIểm trả phí qua internet và máy camera quan trắc tại London (Anh). Ảnh: Trung tâm tư vấn Phát triển giao thông vận tải Trong khi đó dự án thu phí ôtô ở TP HCM hiện chưa tính cụ thể mức phí sẽ thu. Ủng hộ thu phí ôtô vào trung tâm nhưng ông Hùng vẫn cho rằng không dễ dàng để TP HCM triển khai việc này. "Với hoàn cảnh thực tế của Sài Gòn thì cả hai giải pháp này đều gặp khó khăn trong triển khai, đặc biệt là khả năng kiểm soát phương tiện và cưỡng chế các hành vi vi phạm là không dễ dàng. Nhưng nếu không làm thử thì không thể kết luận được là mức khả thi đến đâu để quyết định là sẽ duy trì và mở rộng hay bãi bỏ", người đứng đầu Trung tâm tư vấn Phát triển giao thông vận tải cho biết.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, phương án thu phí ôtô vào trung tâm Sài Gòn: Khả thi Không khả thi Cần triển khai thí điểm





Đứng về khía cạnh khác, Trưởng khoa kỹ thuật giao thông thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM Phạm Xuân Mai khẳng định giải pháp này chỉ là một phần trong các giải pháp tổng thể hạn chế ùn tắc và quan trọng là phải giải quyết phần "gốc" của nạn kẹt xe.
"Thu phí hay biện pháp tài chính phải hiểu cho đúng. Đây không phải là giải pháp kéo giảm ùn tắc ngay mà mới chỉ cảnh báo người dân, khi đóng phí tức người dân sẽ hiểu và ý thức được trách nhiệm của mình. Giải pháp trước mắt có thể là siết các bãi đậu xe trong khu vực trung tâm, tăng giá giữ xe thật cao", ông Mai đề xuất.
Đại biểu HĐND TP HCM Phạm Minh Trí khẳng định giải pháp thu phí ôtô vào trung tâm sẽ vấp phải sự phản ứng của người dân. "Thu phí với mục đích để hạn chế ôtô là không khả thi. Người có ôtô là người có thu nhập cao nên họ vẫn chấp nhận đóng phí", ông Trí nói.
Trước những lo ngại như: người lưu thông sẽ né đường có thu phí tạo áp lực lên các tuyến đường khác, thu của phương tiện từ tỉnh khác vào thành phố như thế nào... Giám đốc công ty Tiên Phong Lâm Thiếu Quân quả quyết đều có cách giải quyết.
Với khả năng xe tránh các đường có thu phí và đi tuyến khác, ông Quân khẳng đỉnh: "Đó cũng chính là mục tiêu của việc thu phí, người dân sẽ hạn chế đi vào các đường có khả năng ùn tắc cao. Chúng tôi sẽ thuê tư vấn để khi lắp đặt cột tín hiệu thu phí sẽ điều tiết tốc độ lưu thông của các đường". Trường hợp xe tỉnh khác vào thành phố, "biện pháp có thể triển khai là khi đi vào thành phố, xe các tỉnh phải thuê thiết bị gắn trên xe (thiết bị đặt sẵn ở các cây xăng) để trả phí".
Ông Quân khẳng định: "Áp dụng thu phí ôtô vào trung tâm thời điểm này là làm "liều" nhưng cần thiết".
Hiện nay ở TP HCM, số xe hơi chỉ bằng 1/10 xe gắn máy nhưng chiếm tới gần 55% tổng diện tích giao thông động và trên 60% tổng diện tích đậu xe của thành phố. Dự án thu phí giao thông đối với ôtô vào khu vực trung tâm này hiện đã được Sở Giao thông vận tải trình UBND TP HCM, chờ phê duyệt thực hiện thí điểm.
Từ những năm 1970, Singapore bắt đầu giải pháp quản lý khu vực cho trung tâm thành phố khoảng 5,6 km2, được kiểm soát bằng 24 (sau này tăng lên 35) cổng ra và thu phí theo phương pháp thủ công. Năm 1998 đến nay, nước này bắt đầu áp dụng giải pháp thu phí đường điện tử (Electronic Road Pricing - ERP). Vào thời điểm năm 1998, chi phí công trình ERP khoảng 200 triệu đôla Sing (gần 2.700 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay), trong đó 100 triệu đôla Sing dành cho việc lắp đặt thiết bị trên xe (IU), mỗi IU có giá khoảng 300 đôla Sing (gần 400.000 đồng).
Khác với Singapore, London không áp dụng hình thức lập cổng thu phí vì vấn đề thẩm mỹ đô thị, mà sử dụng hệ thống vi xử lý nhận dạng biển số tự động trên cơ sở dữ liệu do các camera quan trắc giao thông đặt trên các tuyến phố cung cấp.
Hệ thống LCCS bao gồm các điểm để người lái có thể trả phí, trước và trong khi vào khu trung tâm. Mức phí ban đầu là 5 Bảng Anh cho một lần ra vào khu trung tâm trong thời gian từ 7h đến 18h30, mức phí này sau đó tăng lên là 8 Bảng Anh (gần 243.000 đồng). Mức phạt gấp 10 lần mức thu.
Kiên Cường
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên