Yamaha Lexam - đứa con lai chưa hoàn hảo

N
Bình luận: 0Lượt xem: 1,719

nguyenvantri0204

Tài xế O-H
Ngày 26/11 vừa qua, Yamaha đã chính thức công bố mẫu xe mới của mình có tên gọi Lexam với mức giá 25 - 26,5 triệu. Nhưng liệu mẫu xe mới có giống như những gì chúng ta kỳ vọng hay không? Autonet sẽ giúp bạn lý giải phần nào câu hỏi đó.

Trước khi ra mắt chiếc xe Yamaha mới này, rất nhiều người tiêu dùng đã bị cuốn hút bởi hình ảnh quảng cáo khá bí ẩn từ nhà sản xuất. Tất nhiên, sự cuốn hút này bắt nguồn từ một công nghệ truyền động mới có tên gọi Y.C.A.T (Yamaha Compact Automatic Transmission).

http://a9.vietbao.vn/images/vn906/the_gioi_xe_may/61006483_DSC_0147.jpg

Quả thực, nhóm phóng viên Autonet cũng rất ngạc nhiên về công nghệ này, khi nó góp phần thu gọn kích thước của bộ truyền động vô cấp CVT của các dòng xe ga hiện tại để giờ đây có thể ứng dụng trên một mẫu xe số.

Tuy nhiên, Lexam sẽ khó có thể được gọi là một chiếc xe ga đích thực nếu bạn chưa thử chúng hay mới chỉ thoáng ngắm nhìn nó bởi ngoại hình của chiếc xe này vốn được xây dựng trên nền tảng của một chiếc xe số thông thường.




Kiểu dáng thể thao là thiết kế xuyên suốt của Yamaha trong hầu hết các sản phẩm có mặt tại Việt Nam và khi Lexam xuất hiện, nó cũng không phải là ngoại lệ. Phần đầu xe, cụm đèn chiếu sáng có kích thước lớn nhưng hoạ tiết chữ “Y” (viết tắt của Yamaha) dường như hơi thừa khi đưa vào vị trí này. Các chi tiết tạo hình góc cạnh cùng bề mặt yếm 3D đều sử dụng vật liệu nhựa sần giúp cho phần đầu xe trông dữ dằn và mạnh mẽ. Có người cho rằng, nó bị vay mượn quá nhiều chi tiết thiết kế của người anh em Exciter.

Bảng đồng hồ công-tơ-mét mặc dù trông hơi nhỏ nhưng phân bố các vị trí đèn báo hợp lý và tạo ấn tượng nhờ thiết kế 2 khu vực độc lập với kiểu dáng mặt nạ của một chiến binh rô-bốt.



Do đây là "đứa con lai" có chức năng như một chiếc xe ga, vì vậy các cần số, cần phanh đều bị loại bỏ, thay vào đó là tấm để chân tương đối rộng rãi, song, so với cách để chân của xe ga thông thường thì nó còn nhiều điểm chưa thể sánh bằng. Cần phanh sau được di chuyển sang phía tay trái, trên đó có nút chức năng khoá bánh sau. Và khi khoá, đèn "lock" sẽ sáng lên để thông báo cho chủ điều khiển được biết.



Cần khởi động cũng được chuyển sang bên trái để phù hợp với kết cấu động cơ của xe ga. Le gió vẫn xuất hiện trên Lexam và được bố trí phía dưới song song với khoá điện, việc mở yên xe trên khoá điện đa chức năng rất dễ dàng là ưu điểm mà chúng tôi đánh giá được ở chiếc xe này.



Yên xe rộng hơn so với một chiếc xe số song lại nhỏ hơn một mẫu xe ga, bề mặt có độ mềm vừa đủ không quá cứng tạo cảm giác ngồi thoải mái. Mở yên, không gian cốp chứa đồ vô cùng khiêm tốn nếu so sánh với mẫu xe ga mà Yamaha đang có, không gian có lẽ chỉ đủ để vừa một bộ áo mưa cá nhân. Điều này sẽ mất nhiều điểm trong mắt người tiêu dùng Việt Nam vốn đã có tư duy lựa chọn "xe ga cốp rộng".




Phần đuôi xe là khu vực cũng bị rất nhiều người chê trách, thiết kể vuốt nhọn có phần cục mịch chưa thực sự phù hợp với kiểu dáng mạnh mẽ đã có được ở phần đầu xe, đèn phanh sử dụng công nghệ LED, tuy nhiên, cách bố trí đèn chức năng rời rạc không tạo nhiều ấn tượng.

Theo nhà sản xuất, động cơ của Lexam là loại SOHC 4 thì, dung tích 115 cm3, làm mát bằng không khí, xi-lanh đơn, 2 van. Bên cạnh đó, chiếc xe còn được trang bị hệ thống cảm ứng khí kết hợp với bộ phận giảm âm giúp tăng cường hiệu quả làm sạch khí thải và cho âm xả êm ái, dễ chịu.



Trên thực tế, tiếng máy nổ của Lexam lại cho âm thanh khá lớn, không êm như chúng ta thường thấy trên dòng xe ga, có thể Yamaha muốn người điều khiển có cảm giác như đang điều khiển của một chiếc xe số thể thao nhưng vẫn đảm bảo được tính năng vận hành mượt mà của xe ga.

Chạy thử Lexam, đôi chút thất vọng là điều đầu tiên mà nhóm phóng viên Autonet nhận thấy, chiếc xe chạy ì và không có được sự bứt phá về tốc độ so với những mẫu xe ga cùng phân khối. Thốc ga tăng tốc, tiếng nổ to và gằn, Lexam tạo cho người điều khiển có cảm giác chiếc xe đang chạy ở vị trí số 3 giống như trên xe số.



Gương chiếu hậu bị rung nhiều khiến việc quan sát phía sau không thật rõ ràng. Dù sao, ưu điểm của Lexam chính là độ ổn định và an toàn hơn khi vào cua, với công nghệ Y.C.A.T, bộ truyền đòn CVT được đưa vào trong động cơ, vì vậy trọng tâm xe được tập trung vào giữa nên không còn sự phân tán trọng tâm. Dù sao, đây mới chính là điều mà Yamaha muốn khi họ đã dày công nghiên cứu trong quãng thời gian không phải là ngắn.



Việt Nam được coi là quốc gia đầu tiên chạy thử nghiệm và ra mắt của Lexam với trang bị công nghệ hoàn toàn mới Y.C.A.T, Yamaha đã chứng tỏ sự kỳ vọng rất nhiều ở mẫu xe này tại thị trường này.

Thế nhưng, công nghệ mới đã tạo nên một mẫu xe “lai” ga-số có phần lạ lẫm với người tiêu dùng, và ngay lập tức, có rất nhiều lời khen chê về nó. Điều này chắc hẳn sẽ không tránh khỏi, Lexam cần có thời gian để người tiêu dùng làm quen và chấp nhận nó. Giá hiện tại của Yamaha Lexam là 25 triệu (vành tăm) và 26,5 triệu (vành đúc).

Nhật Nguyệt
Ảnh: Huy Thắng
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên