So sánh Honda CR-V, Mazda CX-5 và Mitsubishi Outlander

T
Bình luận: 0Lượt xem: 906

thapbiatiger

Tài xế O-H
So sánh 3 mẫu xe Honda CR-V, Mazda CX-5 và Mitsubishi Outlander với các chi tiết nội thất, ngoại thất và cảm giác lái như thế nào?

Video minh họa:


Ngoại thất:
Honda CR-V
Về tổng quan ngoại hình, CR-V mới sở hữu thiết kế góc cạnh, mạnh mẽ hơn rất nhiều so với tiền nhiệm. Kích thước tổng thể (Dài x Rộng x Cao) của xe lần lượt là 4.584 x 1.855 x 1.679 (mm), trục cơ sở 2.660mm. So với bản cũ, chiều rộng tăng 30mm và trục cơ sở dài hơn 40mm.

Phía trước, Honda CR-V sở hữu gương mặt hoàn toàn khác biệt, cứng cáp và có phần “dữ tợn” hơn. Lưới tản nhiệt nay được thiết kế nổi bật với thanh crom sáng bóng, nối liền với 2 cụm đèn pha sắc nét. Trong khi đó, chễm chệ ngay chính giữa là logo chữ H quen thuộc. Ngay dưới, các đường gân dập nổi kết hợp cùng chắn bùn nhô cao góp phần tăng thêm sự mạnh mẽ cho CR-V 2019.

Hệ thống đèn trên xe mang đường nét mới gọn gàng hơn cùng phần đồ họa bên trong đẹp hơn. Cả 3 phiên bản đều có đèn LED ban ngày và đèn hậu dạng LED. Tuy nhiên, bản E bản thấp nhất dùng đèn pha halogen, 2 bản G và L là loại LED tự động bật/tắt và điều chỉnh góc chiếu.


Honda CR-V 2019 trang bị bộ la-zăng vặn xoắn, kích thước 18-inch đi cùng lốp 235/60 trên cả ba phiên bản. Bên cạnh đó, hãng xe Nhật còn “trang trí” thêm một thanh nẹp chrome cỡ lớn ở ngay dưới sườn xe, đồng thời mở rộng vòm bánh giúp xe nhìn vững chãi hơn.

Tay nắm cửa mạ chrome sáng bóng, sử dụng cảm biến một chạm mới thay cho nút bấm như trước. Gương chiếu hậu có chức năng gập/chỉnh điện, tích hợp đèn báo rẽ dạng LED. Các cửa ra vào đều trang bị cửa kính điều chỉnh điện cùng các đường trang trí mạ chrome bao quanh khung kính.

Đáng chú ý hơn cả, thiết kế “lưng gù” gây nhiều tranh cãi đã được loại bỏ. Phần đuôi xe nay được vuốt gọn và hài hòa với tổng thể hơn. Cụm đèn hậu hình chữ L to bản, full LED, ôm hết vào trụ D và được “nối” với nhau qua một thanh chrome nẹp cốp.

Mazda CX-5
Về tổng quan ngoại hình, CX-5 mới tiếp tục phát triển ngôn ngữ thiết kế KODO đặc trưng. Tuy nhiên, xe đã được “tân trang” lại một số chi tiết ngoại thất cho cái nhìn trẻ trung, cá tính hơn.

Xe có thông số (DxRxC) là 4.550 x 1.840 x 1680 (mm), chiều dài cơ sở 2.700 mm, khoảng sáng gầm xe 200 mm và bán kính vòng quay 5,46m. So với thế hệ trước, xe ngắn hơn 10mm và cao hơn 10mm. CX-5 có chiều dài thân xe ngắn nhất trong phân khúc nhưng độ dài trục cơ sở khá tốt (chỉ thua X-Trail 5mm). Trong khi CR-V và Outlander chỉ ở mức 2.660 và 2.670mm.

Phía trước, thay đổi dễ nhận ra nhất là mặt ca-lăng màu xám được cách điệu và mở rộng ra, thay thế loại 5 nan ngang như trước. Đường viền hình cánh chim sải cánh dày bản mạ chrome, nối liền với cụm đèn pha. Ngay dưới, cản gầm được làm mới hoàn toàn, không còn tách riêng thành lưới tản nhiệt và hai hốc gió.

Tiếp đến, cụm đèn pha “híp” nay được vuốt dài sang hai bên, phần đồ họa bên trong sắc sảo hơn trước. Cả ba phiên bản đều sử dụng đèn công nghệ LED tự động cân bằng góc chiếu. Trên hai bản 2.5 có thêm tính năng thích ứng thông minh Adaptive LED Headlights (ALH).

Trên thế hệ mới, Mazda CX-5 được có thêm một đường viền chân kính mạ chrome. Đèn báo rẽ trên gương chiếu hậu di chuyển xuống viền dưới thay vì ở giữa như thế hệ trước. Bộ mâm hợp kim 19-inch 5 chấu kép tái thiết kế trông cá tính hơn.

Phần sau không có quá nhiều khác biệt. Các chi tiết quen thuộc như đèn hậu, đuôi lướt gió tích hợp đèn phanh được cách điệu. Cản gầm nhựa cứng cùng ống xả đôi đèn đem lại cái nhìn thể thao. Trang bị camera lùi được bố trí ngay dưới logo xe.

Nhìn chung về thiết kế, CX-5 là và CR-V là hai mẫu xe mang đến phong cách trẻ trung và thể thao khá đậm nét. Còn Outlander và X-trail có phần "hiền" hơn và "đứng tuổi", thích hợp cho những ai không thích sự phô trương.

Mitsubishi Outlander
Thiết kế ngoại thất chắc chắn là một trong những ưu điểm nổi bật nhất của Mitsubishi Outlander ngay từ những thế hệ đầu tiên. Và ở phiên bản lần này, hãng xe Nhật Bản vẫn tỏ ra khá thận trọng khi chưa vội vàng “thay áo mới” cho mẫu crossover này. Ngôn ngữ thiết kế “Dynamic Shield” vẫn là linh hồn trong thiết kế ngoại thất của Outlander 2019, mang đến một diện mạo mạnh mẽ, trẻ trung nhưng vẫn giữ được cái chất lịch lãm, phong trần đặc trưng của những mẫu xe nhà Mitsubishi. Outlander 2019 sở hữu các kích thước tổng thể dài x rộng x cao lần lượt là 4,695 x 1,810 x 1,710 (mm), cùng chiều dài cơ sở đạt 2,670 (mm), khá tương đồng khi đặt cạnh các đối thủ cùng phân khúc như Honda CR-V, Mazda CX-5 hay Nissan X-Trail.


Điểm đáng chú ý nhất về ngoại thất của Outlander 2019 vẫn là phần đầu xe với thiết kế cực kỳ ấn tượng và phong cách. Những đường dập nổi trên nắp ca-pô kết hợp với hai thanh ngang mạ chrome cỡ lớn trên lưới tản nhiệt nối liền cụm đèn chiếu sáng với đồ hoạ sắc nét tạo cảm giác mạnh mẽ và liền lạc. Ngôn ngữ “Dynamic Shield” được hoàn chỉnh nhờ hai thanh chrome ôm sát cụm đèn trước tạo hình chiếc khiên chữ X đầy ấn tượng với logo ngôi sao 3 cánh Mitsubishi đặt ở khu vực trung tâm. Về phần trang bị, hệ thống đèn LED chạy ban ngày là tiêu chuẩn trên tất cả các phiên bản. Khác biệt đến từ hệ thống chiếu sáng chính khi phiên bản tiêu chuẩn 2.0 CVT chỉ sử dụng đèn pha Halogen bóng projector, trong khi hai phiên bản còn lại đều sử dụng công nghệ LED tích hợp hệ thống rửa đèn hiện đại.

Ở phần thân xe, dải gân nổi mạnh mẽ ép sát cửa sổ vẫn được giữ lại, kết hợp với dải kim loại sáng bóng kéo dài từ trụ A và ôm trọn đến trụ D, tạo cảm giác cao cấp và sang trọng cho Outlander. Phía dưới cánh cửa, các thanh nẹp hông màu bạc vẫn được giữ lại để tạo điểm nhấn cứng cáp cho xe. Điểm nhấn nổi bật nhất ở phần hông xe nằm ở bộ mâm đúc hợp kim đa chấu 18 inch thiết kế khá đẹp mắt và thể thao, góp phần làm tôn thêm vẻ ngoài mạnh mẽ và sắc sảo của Outlander.

Phía sau của Outlander vẫn được Mitsubishi được khá kỹ lưỡng với trang bị đèn hậu dùng bóng LED. Logo Mitsubishi được đính ngay trung tâm cửa sau nổi bật cùng thanh trang trí mạ chrome dạng chữ C sáng bóng nối liền hai dải đèn hậu, rất hòa hợp với thiết kế tổng thể của xe. Cản sau ôm sát hai hốc bánh xe tạo cảm giác đầy đặn và cứng cáp hơn. Đồng thời, hãng cũng bố trí hai đèn phản quang nhằm tăng khả năng quan sát của các phương tiện phía sau khi di chuyển trên đường.

Nhìn chung, Mitsubishi vốn đã hoàn thiện rất tốt phần thiết kế của Outlander ngay từ thế hệ đầu tiên, vậy nên hãng không cần phải mạo hiểm thay đổi quá nhiều ở phiên bản này. Tất cả các thành phần ngoại thất đều khá hài hòa với tổng thể cũng như giúp chiếc xe trở nên hiện đại và hợp thời hơn.

Nội thất
Honda CR-V
Bước vào trong, khoang cabin không có quá nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, Honda đã “tinh chỉnh” lại từng chi tiết để mang đến hơi thở mới hiện đại hơn.

Điểm thay đổi đầu tiên chính là kết cấu 5+2 . Ở thế hệ mới, Honda CR-V có thêm 1 hàng ghế thứ 3 gồm 2 chỗ. Đây là một điểm cộng lớn của xe trước những gia đình 3 thế hệ. Trong phân khúc crossover cỡ trung hiện nay, bên cạnh CR-V thì còn có X-Trail và Outlander cũng áp dụng kết cấu này.
Toàn bộ ghế ngồi đều được bọc da màu be trên bản E và màu đen cho bản G và L. Trên hàng ghế đầu, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, hỗ trợ bơm lưng và ghế phụ chỉnh cơ 4 hướng cho cả 3 phiên bản. Bệ tỳ tay trung tâm và hộc chứa đồ khá rộng, thoải mái để đồ dùng cá nhân như điện thoại, túi xách.


Hàng ghế thứ hai có khoảng để chân dư dả cho hành khách cao khoảng 1m7. Ghế ngồi tạo hình phẳng, tựa lưng dày và tựa đầu có thể điều chỉnh. Đặc biệt, người dùng còn có thể điều chỉnh độ ngả lưng, trượt lên xuống giúp tăng thêm không gian ngồi rất tiện. Ở hàng ghế này trên Mazda CX-5 sẽ có thêm sạc điện thoại tích hợp trong bệ tỳ tay.

Xuống dưới hàng ghế thứ 3, đối tượng phù hợp hơn cả là trẻ em hoặc những người cao trung bình 1m65 cũng khá vừa vặn. Khi cần, người ngồi có thể kéo hàng ghế thứ hai lên để cải thiện diện tích.

Khu vựa bảng táp-lô thiết kế đối xứng, sử dụng ốp nhựa màu kim loại trên bản E và ốp gỗ trên bản L và G. Màn hình phụ phía trên đã được loại bỏ, nhường chỗ cho hai hốc gió điều hòa. Ở chính giữa là màn hình giải trí trung tâm, ngay dưới là các nút bấm bố trí gọn gàng, dễ sử dụng.

Đồng hành cùng người lái sẽ là vô-lăng ba chấu bọc da có thể điều chỉnh 4 hướng. Ở góc 3 giờ và 9 giờ là hai cụm nút bấm chức năng như đàm thoại rảnh tay, điều chỉnh âm thanh và cài đặt Cruise Control. Phiên bản G và L sẽ được tích hợp thêm lẫy chuyển số thể thao.

Phía trước, cụm đồng hồ trung tâm trên bản G và L có thiết kế mới với 3 khoang tách biệt rõ ràng, nổi bật ở giữa là màn hình hiển thị điện tử Digital 7-inch. Trong khi đó, bản E thấp hơn sẽ có dạng Analog với cụm đồng hồ tốc độ và vòng tua máy, hai bên là đồng hồ hiển thị tình trạng nhiên liệu xe.

Mazda CX-5
Tiến vào bên trong, không gian được hãng xe Nhật đã làm mới hoàn toàn từ bảng vô-lăng, bảng táp-lô, cần số đến những chi tiết nhỏ như hốc gió, bệ tỳ tay...

Ở cả ba phiên bản, ghế ngồi đều được bọc da cao cấp. Hàng ghế trước thiết kế ôm sát lưng và hông người ngồi cho cảm giác rất thoải mái. Trên hai bản 2.5, ghế lái và ghế phụ đều chỉnh điện, ghế lái ghi nhớ 2 vị trí. Phiên bản 2.0 thấp hơn chỉ trang bị ghế lái chỉnh điện.

Hàng ghế thứ hai chỉ ở mức tạm ổn chứ không rộng như CR-V, phần tựa đầu dày dặn, nệm êm cùng góc nghiêng tốt giúp hành khách không bị mệt mỏi khi di chuyển xa. Đặc biệt, trên phiên bản 2019, hành khách ngồi sau sẽ có thêm cổng sạc và kết nối USB. Một trang bị nhỏ cũng có thể thấy được sự chăm sóc kĩ càng của Mazda, đặc biệt với khách hàng thường phải sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính cá nhân

Khoảng để chân của CX-5 có phần nhỉnh hơn hai "đồng hương" là Outlander và CR-V và do trục cơ sở dài hơn từ 30 đến 40mm. Bên cạnh đó, CX-5 chỉ thiết kế 5 chỗ ngồi nên không gian để chân và hành lý cũng thoáng đãng hơn. Nhưng tính cơ động khi cần chở nhiều người như các mẫu xe 5+2 là Outlander, CR-V hay X-trail sẽ là khuyết điểm của CX-5.

Khu vực bảng tablo tối giản hóa, lấy điểm nhấn trung tâm là màn hình cảm ứng 7-inch được nâng lên tương tự các mẫu Mazda hiện hành. Bốn hốc gió điều hòa được tinh chỉnh sắc cạnh và sắp xếp đối xứng, mạ viền crom mang lại vẻ sang trọng cho không gian. Các nút điều khiển được dời xuống thấp hơn, vừa với tầm tay của hai người ngồi trước.

Di chuyển xuống dưới, hãng xe Nhật bổ sung thêm nút tự động giữ phanh Auto Hold cạnh cần số. Hai hộc đựng ly nước chuyển sang dạng ngang thay vì dọc như bản tiền nhiệm. Các nút điều chỉnh còn lại vẫn được giữ nguyên.

Vô-lăng của CX-5 2019 có thiết kế ba chấu thể thao, bọc da, tích hợp đầy đủ các nút điều khiển và mạ viền chrome.

Phía trước là cụm 3 đồng hồ viền chrome hiển thị thông số rõ ràng, dễ dàng quan sát. Ở hai bản 2.5 sẽ có thêm màn hình hiển thị thông tin trên kính lái HUD.

Mitsubishi Outlander
Tương tự phiên bản nhập khẩu ở thế hệ tiền nhiệm, Outlander bản CKD vẫn mang mang phong cách thiết kế nội thất đơn giản, gọn gàng nhưng không kém phần sang trọng. Chất liệu da xuất hiện xuyên suốt trong không gian khoang lái, riêng phiên bản tiêu chuẩn 2.0 CVT chỉ được sử dụng vật liệu nỉ. Nhìn chung, các chi tiết được khá sắp xếp hợp lý giúp tận dụng tối đa không gian, kết hợp cùng các tính năng tiện nghi được trang bị tốt mang đến sự thoải mái và thư giãn cho hành khách.

Nếu như thế hệ Outlander nhập khẩu năm 2017 chỉ cung cấp tùy chọn 7 chỗ (cấu hình 5+2) cho bản cao cấp thì ở phiên bản lắp ráp CKD lần này, Mitsubishi đã biến nó thành trang bị tiêu chuẩn cho tất cả các phiên bản. Qua đó, hãng đã giúp tăng thêm lợi thế cạnh tranh cho “gà nhà” trước các đối thủ cùng phân khúc, đặc biệt là Honda CR-V mới vốn cũng sở hữu cấu hình 5+2 tương tự nhưng có giá bán cao hơn.

Không gian hàng ghế trước khá dư dả với khoảng để chân rộng đi cùng ghế ngồi bọc da kết hợp với thiết kế đệm ôm sát thân người tạo cảm giác thoải mái và chắc chắn . Hàng ghế thứ 2 cho cảm giác rộng rãi theo chiều ngang, đủ chỗ cho ba người lớn với các tựa đầu dày dặn. Do sở hữu cấu hình 5+2 chỗ ngồi hàng ghế cuối chắc chắn sở hữu không gian khiêm tốn nhất trên xe với chỉ với hai chỗ ngồi. Bên cạnh đó, khoảng để chân cũng như không gian trần xe chỉ đủ cho những hành khách nhỏ tuổi.


Ở hai phiên bản cao cấp, ghế người lái có khả năng chỉnh điện 8 hướng, trong khi đó ghế phụ vẫn điều phải chỉnh bằng tay. Khả năng trượt 250 mm và gập 60/40 của hàng ghế thứ 2 cũng là một điểm cộng đáng chú ý. Hàng ghế thứ 3 có thể gập lại với tỷ lệ 50/50 giúp tăng thêm khả năng chuyên chở hành lý khi cần thiết.

Hệ thống bảng tablo và cụm điều khiển trung tâm được thiết kế hướng về phía người lái, giúp dễ dàng thao tác hơn, cụm điều khiển với màn hình đa thông tin kích thước tương đối nhỏ (4.2 inch), vừa đủ dùng. Hệ thống điều hòa tự động 2 vùng với 4 cửa gió,trong đó có 2 cửa gió ở vị trí người lái được làm theo dạng hình thang dọc khá hài hòa với tổng thể cụm điều khiển. Tuy nhiên, có một điểm trừ từ phiên bản trước vẫn chưa được Outlander 2019 khắc phục: chưa trang bị cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau. Do đó, khả năng làm lạnh khoang cabin trong những ngày oi bức cũng mất nhiều thời gian hơn và có thể khiến hành khách cảm thấy khó chịu.

Vô lăng được thiết kế khá cân đối và đẹp mắt, hòa hợp với tổng thể có thiên hướng mạnh mẽ của Outlander. Tuy nhiên, kích thước vô lăng hơi to cũng là một yếu tố gây tranh cãi khi chỉ thực sự vừa vặn với những khách hàng cao tầm 1.7m. Các nút bấm điều khiển được bố trí hợp lý và thuận tay, độ nảy tốt, không có gì để phàn nàn. Ngoài ra, Outlander 2019 vẫn được Mitsubishi trang bị lẫy chuyển số giả lập nằm ngay sau vô lăng (trừ phiên bản 2.0 CVT), giúp tăng thêm trải nghiệm thể thao cho người lái, một tính năng gần như trở thành đặc trưng của hãng xe Nhật Bản.

Bảng đồng hồ trên xe được thiết kế nhấn mạnh đặc tính thể thao với 2 bộ đồng hồ analog truyền thống đối xứng qua màn hình LCD giúp hiển thị đầy đủ các thông số trong quá trình vận hành của xe. Việc lựa chọn font cho chữ số cũng là một chi tiết đáng khen khi mang lại khả năng quan sát và nhận biết tốt nhưng vẫn giữ được ấn tượng thể thao và mạnh mẽ đề phù hợp với thiết kế tổng thể của xe.

Trang bị tiện nghi
Hệ thống âm thanh giải trí trên Outlander 2019 được trang bị ở mức tốt với 6 loa được bố trí trên cửa ra vào (phiên bản 2.0 CVT tiêu chuẩn chỉ được trang bị 4 loa). Màn hình cảm ứng trung tâm hiển thị các thông tin kết nối như Bluetooth/AUX/USB, radio AM/FM cùng đầu đọc đĩa DVD.

Điểm cộng nổi bật về trang bị trên phiên bản Outlander 2019 là hệ thống điều hòa tự động hai vùng độc lập nay đã trở thành trang bị tiêu chuẩn trên tất cả các phiên bản. Điểm đáng tiếc như đã đề cập ở trên là Mitsubishi chỉ bố trí các hốc gió phía trước, thiếu vắng các cửa gió cho hàng ghế sau, nếu phải đi lại dưới nắng nóng mùa hè sẽ không mấy dễ chịu.

Ở hàng ghế đầu trên hai phiên bản cao cấp, Mitsubishi cũng trang bị thêm cửa sổ trời với nút điều khiển tích hợp vào cụm điều khiển đèn nội thất, qua đó giúp cabin thoáng đãng hơn. Danh sách tiện nghi dành cho chủ xe còn có chìa khóa thông minh kết hợp hệ thống khởi động bằng nút bấm cho tất cả các phiên bản cũng như hệ thống rửa đèn pha, cảm biến gạt mưa tự động và cảm biến điều khiển đèn pha cho hai phiên bản cao cấp nhất.

Dung tích khoang hành lý tổng cộng của Outlander lên đến 1,792 lít nếu gập cả hai hàng ghế. Nếu chỉ gập hàng ghế thứ 3 thì không gian khoang hành lý vẫn rất tốt với thể tích lớn cùng sàn xe bằng phẳng. Bên cạnh đó, hàng ghế thứ hai có khả năng gập 60:40 giúp tối ưu tốt hơn việc sắp xếp hành lý. Tuy nhiên, khi dựng 2 ghế cuối, xe chỉ có thể chứa thêm một ít hành lý. Mitsubishi cũng khéo léo bố trí các ngăn để đồ rải rác khắp cabin nên hầu hết các vật dụng cá nhân của khách hàng đều tìm được chỗ yên vị gọn gàng nhất.
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên